Huyện Phú Bình: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH) - Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là yếu tố quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, công tác việc làm trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra...
Huyện tổ chức Ngày hội việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận được với các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó tìm kiếm việc làm phù hợp
Thực hiện công tác việc làm, dạy nghề, trong năm 2024, Phòng Lao động – TBXH huyện Phú Bình đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về chính sách việc làm, thị trường lao động cho 300 cán bộ cơ sở; Tổng hợp thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin người lao động trên địa bàn; Tham mưu cho UBND huyện Báo cáo tình hình lao động trở lại làm việc trên địa bàn sau dịp Tết Nguyên đán 2024 và báo cáo tình hình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2023; Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; Xây dựng Kế hoạch thực hiện nguồn vốn chuyển nguồn dự án Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng kế hoạch thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động năm 2024. Đồng thời tổ chức tập huấn thu thập, cập nhật thông tin người lao động năm 2024 cho các xã, thị trấn và 276 xóm; Xây dựng Kế hoạch hưởng ứng tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động năm 2024.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo 09 tháng năm 2024 của huyện đạt 77,45%, ước thực hiện đến 31/12/2024 đạt 77,5%, bằng 100% kế hoạch huyện giao. Trong đó, có văn bằng chứng chỉ 09 tháng đầu năm 32,71%, ước thực hiện đến 31/12/2024 đạt 32,71%, bằng 100% kế hoạch huyện giao.
Ông Phạm Minh Tân, Trưởng Phòng Lao động – TBXH huyện Phú Bình cho biết, là một huyện trung du của tỉnh Thái Nguyên, Phú Bình có vị trí giao thương thuận lợi, gần với các tỉnh, thành phố đang phát triển như: Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 37; đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; đường tỉnh lộ ĐT 261D, ĐT 261C, ĐT 266, ĐT 269B… Với vị trí địa lý thuận lợi, huyện Phú Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch. Do vậy, nguồn nhân lực dồi dào vừa được coi là thế mạnh đồng thời cũng tạo ra thách thức đối với công tác tạo việc làm, nhất là việc làm tại địa phương cho người lao động.
Hằng năm, UBND huyện giao cho Phòng Lao động - TBXH khảo sát vấn đề cung – cầu lao động ở tất cả các xóm, tổ dân phố, từ đó, xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu về cho các xã. Nhằm giúp người lao động thay đổi tư tưởng sợ đi lao động xa hay ngại đi học nghề, huyện tổ chức nhiều đợt tham quan, trải nghiệm ngày làm việc tại một số công ty lớn đặt tại Thái Nguyên, Bắc Ninh… Chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên liên hệ với các doanh nghiệp ở các huyện, tỉnh lân cận để kết nối với người lao động có nhu cầu; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, hội nghị tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc lồng ghép tuyên truyền về việc làm vào các hội nghị ở xóm, xã. Cùng với đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương đủ tiêu chuẩn tuyển dụng.
Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín trong cả nước đến tuyển dụng lao động. Hiện nay, Phú Bình là một trong số ít địa phương có các văn phòng tuyển dụng của những doanh nghiệp lớn đặt trên địa bàn, giúp người lao động có thể thuận tiện nộp hồ sơ, phỏng vấn và có thể được tuyển dụng ngay lập tức nếu đáp ứng điều kiện.
Không chỉ ở cấp huyện, tại các xã, thị trấn, công tác giải quyết việc làm cho người lao động cũng được đảng bộ, chính quyền quan tâm. Chẳng hạn, tại xã Kha Sơn, một xã nằm trên trục đường chính liên tỉnh, liên huyện và gần các khu công nghiệp lớn, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi lao động tham gia các đợt tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm do các doanh nghiệp tổ chức. Xã cũng phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, huyện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở cơ sở sản xuất trên địa bàn, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Phú Bình đã đạt được những kết quả khả quan. Trong năm 2025, huyện Phú Bình đặt ra mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 77,7%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 32,8%. Tiếp tục phối hợp và giới thiệu các công ty tuyển dụng lao động trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền về lao động và việc làm. Phối hợp với các trung tâm dạy nghề, trường nghề tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.../.
Minh Anh
TAG: