Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Huyện Nghĩa Đàn: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
08:57 AM 28/08/2023
(LĐXH) – Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã tạo việc làm mới cho hơn 1200 lao động, trong đó số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn hơn 650 người, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Người lao động làm việc tại nhà máy sản xuất đá xuất khẩu Viethome stone ở Cụm Công nghiệp Nghĩa Long
Những năm qua, huyện Nghĩa Đàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các dự án đầu tư. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Cùng với đó, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án. Chú trọng công tác quy hoạch về sử dụng đất, xây dựng... Từ đó phân vùng, phân khu, xác định thu hút đầu tư ở hiện tại và cả trong tương lai. Đến nay, huyện đã thu hút 14 dự án với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 2.190 tỷ đồng. Điển hình như Dự án mở rộng Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Nghĩa Bình do Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH đầu tư với tổng mức đầu tư 546,6 tỷ đồng, công suất chế biến sữa tăng thêm 200 tấn/ngày (công suất hiện tại 780 tấn/ngày); Nhà máy sản xuất và chế biến bột đá siêu mịn tại khu công nghiệp Nghĩa Đàn do Công ty TNHH Công nghệ vật liệu mới Đức Thịnh đầu tư với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư hiện đại tại Thị trấn Nghĩa Đàn do Liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhân Bình và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng đầu tư với tổng mức đầu tư 406 tỷ đồng. Các dự án triển khai trên địa bàn đã góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho lao động địa phương.
Để công tác giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, hàng năm, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức đào tạo nghề tại địa phương, giúp lao động nông thôn có kiến thức để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động xã Nghĩa Long và Nghĩa Lộc.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đã phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và từng nhóm đối tượng trên địa bàn. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động sau đào tạo tìm kiếm việc làm, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đối với người dân, nhất là học sinh các trường THCS, THPT. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động...
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, Năm 2022, huyện Nghĩa Đàn tạo việc làm mới cho 2.042 lao động, trong số này có hơn 1.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh, còn lại là đi xuất khẩu và các chương trình hợp tác khác. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Nghĩa Đàn đã giảm xuống còn 4,07%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã tạo việc làm mới cho hơn 1200 lao động, trong đó số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn hơn 650 người, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Số lao động khác làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trong thời gian tới, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục thu hút các dự án đầu tư để tạo việc làm cho người lao động. Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung vào các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội để góp phần thực hiện hiệu quả phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn…/.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang