Huyện Lộc Bình (Lạng Sơn): Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo
Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) có 5.658 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,37%, trong đó có 03 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% đến dưới 60%; 07 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 60% đến dưới 70%; 01 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 70% trở lên. Toàn huyện có 2.771 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,39%. Hộ nghèo, cận nghèo tập trung ở các xã vùng cao, biên giới, khu vực các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo là thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, giáo dục, y tế.
Trước thực trạng đó, để tập trung phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020 và Kế hoạch thực hiện hàng năm. Cùng với đó thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện hàng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo dõi, đôn đốc phụ trách địa bàn xã, thị trấn. Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những yếu kém, vướng mắc để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ trong triển khai thực hiện.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiện nay huyện Lộc Bình đang triển khai 11 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, rộng khắp đến 29/29 xã, thị trấn. Trong 3 năm (2016-2018), tổng doanh số cho vay là 173.754 triệu đồng, với 3.772 lượt hộ được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ là 621.421 triệu đồng. Trong đó: Cho vay đối với người nghèo 2.252 lượt với doanh số 103.947 triệu đồng; cho vay đối tượng thuộc hộ cận nghèo 932 hộ, doanh số cho vay 41.868 triệu đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 473 hộ vay, doanh số 25.916 triệu đồng. Hoạt động cho vay vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cho người dân
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo cũng được đảm bảo. Trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2018, huyện đã hỗ trợ học phí, chi phí học tập và miễn giảm học phí cho 22.595 lượt em với kinh phí 16.073 triệu đồng; cấp, tặng sách vở, đồ dùng học tập, học bổng, xe đạp cho 10.962 lượt em, với kinh phí 1.413 triệu đồng; cấp 1.848 tấn gạo cho 22.526 lượt học sinh theo chính sách hỗ trợ học sinh nghèo bán trú, học sinh nghèo phổ thông trung học, góp phần xóa bỏ tình trạng học sinh phải bỏ học để phụ giúp gia đình, chất lượng học tập ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được nâng lên. Cùng với đó, huyện đã cấp 6.396 lượt thẻ BHYT cho người nghèo, 144.755 lượt thẻ BHYT người dân tộc thiểu số và cấp cho hộ cận nghèo theo Quyết định 797/QĐ-TTg được 4.418 thẻ, cấp cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo 1.614 thẻ... Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Lạng Sơn triển khai trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tại địa bàn các xã, thị trấn. Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nhà ở đối với hộ theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, toàn huyên đã cho vay được 251 hộ, với kinh phí 2.446 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ nhà ở từ nguồn Quỹ vì người nghèo các cấp và các nguồn khác để xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 14 hộ, kinh phí 420 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 16.269 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, trợ cấp đột xuất gạo và tổ chức tiếp nhận cấp phát kịp thời 176,295 tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ cứu đói giáp hạt cho trên 3.277 lượt hộ với 11.607 lượt nhân khẩu, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, không xảy ra tiêu cực, thất thoát.
Bên cạnh chính sách giảm nghèo chung, chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được quan tâm chú trọng. Với tổng kế hoạch vốn giao Chương trình 135 giai đoạn năm 2016 - 2018 là 60.696,57 triệu đồng, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, trạm y tế, thủy lợi, trường học và nhà văn hóa thôn. Cùng với đó, thông qua chương trình đã hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần làm thay đổi, cải thiện đời sống sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác truyền thông về giảm nghèo được triển khai hiệu quả. Đài truyền thanh - Truyền hình huyện đã tuyên truyền được 35 buổi; 01 phóng sự về công tác xóa đói giảm nghèo; 18 pa nô và nhiều băng rôn tuyên truyền về công tác giảm nghèo thực hiện trên tất cả các xã, thị trấn. Tuyên truyên lưu động được 10 buổi. Tiếp nhận và cung cấp cho cơ sở khoảng 500 quyển tạp chí và các loại ấn phẩm; khoảng 4.000 tờ rơi, áp phích...
Ngoài ra, hoạt động nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo huyện tập trung triển khai. Hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đều ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và phân công cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra giám sát; bình quân mỗi năm thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp từ 10 -15 xã về triển khai thực hiện các chính sách, tập trung chủ yếu kiểm tra các xã có tiến độ triển khai chậm hoặc có vướng mắc, ngoài ra các phòng, ban ngành còn tổ chức kiểm tra giám sát riêng theo nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Đánh giá về những kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Chương trình giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm của huyện. Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản đặc biệt khó khăn từng bước thay đổi. Sau hai năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 22,37%; từ 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 50% trở lên giảm còn 02 xã (Xuân Dương 59,02%; Ái Quốc; 67,62%); từ 06 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% đến dưới 50% tăng lên là 11 xã; từ 12 xã tỷ lệ hộ nghèo dưới 25% tăng lên 16 xã. Những hộ nghèo, cận nghèo vẫn chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, biên giới, khu vực các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã tác động mạnh đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 và chính sách hỗ trợ đặc thù theo quyết định của UBND tỉnh; chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu phát triển sản xuất, giao lưu trao đổi hàng hóa, ngày càng tiếp cận với nhiều dịch vụ xã hội. Hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước giảm dần thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Sở dĩ có được kết quả trên là do huyện đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện, các thành viên Ban Chỉ đạo là Trưởng các cơ quan chuyên môn nên đã chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm thực hiện, hầu hết người dân trên địa bàn được hưởng lợi đều được tuyên truyền chính sách sâu rộng mục đích ý nghĩa về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chủ động tham gia trong lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình. Cùng với đó, huyện đã chủ động phân cấp và trao quyền cho địa phương để phát huy nội lực cộng đồng, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng và người dân trong thực hiện chương trình.
Để chính sách giảm nghèo phát huy tốt hiệu quả và trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Lộc Bình đề nghị cần ưu tiên phân bổ về nguồn lực, nhất là việc quy định về chế độ, định mức, hỗ trợ theo kịp với biến động giá cả (hoặc có cơ chế linh hoạt theo từng vùng, miền) để đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Điều quan trọng là cần phải xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân nghèo vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Trung ương xem xét tăng mức vốn hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình 135 do mức vốn hỗ trợ còn thấp, nhất là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn duy tu bảo dưỡng công trình để phát huy hiệu quả lâu dài. Xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở./.
PV
TAG: