Huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa): Đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững
Với mục tiêu đưa huyện Khánh Sơn không còn hộ nghèo vào năm 2025, nhiều dự án, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang được thực hiện tại địa phương. Khi những công trình, dự án này hoàn thành sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân Khánh Sơn.
Đầu tư những công trình phát triển hạ tầng
Tuyến đường từ thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) đi qua thị trấn Tô Hạp của Khánh Sơn dù đã được bê tông hóa từ nhiều năm nay song chỉ phục vụ thuần túy cho việc lưu thông nội bộ trong khu dân cư, chưa hỗ trợ nhiều vào việc lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất của người dân nơi đây. Với mặt đường rộng 3m, cùng với chiếc cầu treo bắc qua sông Tô Hạp có tải trọng thấp nên chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe gắn máy; còn muốn vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng ô tô thì phải đi đường vòng để ra Tỉnh lộ 9.
Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Do tải trọng của cầu treo Hòn Dung chỉ 0,5 tấn, mặt cầu rộng 2m nên chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe máy hoặc xe thô sơ. Ngoài việc khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hóa thì việc phát triển du lịch của địa phương cũng ảnh hưởng. Thôn Hòn Dung có ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Raglai - một điểm du lịch của huyện. Sắp tới, khi tuyến đường này được đầu tư xây dựng, với diện tích mặt đường và mặt cầu rộng 6,5m, kết cấu cầu bằng thép kết hợp bê tông cốt thép sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Theo Nghị quyết số 32 ngày 30-6-2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn huyện Khánh Sơn được giao năm 2023 hơn 87,3 tỷ đồng để triển khai thực hiện 6 công trình, gồm: Kè chống sạt lở sông Tô Hạp, đoạn qua xã Sơn Lâm và xã Thành Sơn; kè chống sạt lở sông Tô Hạp, đoạn qua xã Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung; xây dựng tuyến đường thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc) đi thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); nâng cấp, mở rộng đường liên xã Sơn Bình đi xã Sơn Hiệp; xây dựng tuyến đường từ thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đi thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình); xây dựng tuyến đường từ thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) đi thị trấn Tô Hạp. Vào cuối tháng 3, tuyến đường thôn Tha Mang đi thôn Tà Lương đã được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân thôn Tà Lương về miền xuôi sẽ được rút ngắn và thuận lợi hơn. Tính đến cuối tháng 6, huyện Khánh Sơn đã thực hiện giải ngân được hơn 33,1 tỷ đồng (đạt 38% kế hoạch giao) để thực hiện các công trình nêu trên. Ngoài ra, một số công trình khác được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang đến những diện mạo mới cho huyện về phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết những khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân.
Triển khai 7 dự án Chương trình MTQG giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Khánh Sơn triển khai 7 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Dự án 1); Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2); Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (Dự án 3); Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Dự án 4); Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo (Dự án 5); Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6); Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình (Dự án 7). Thực hiện Dự án 1, huyện Khánh Sơn có 3 công trình được duy tu, sửa chữa với kinh phí được cấp hơn 12,2 tỷ đồng. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật của các công trình thuộc dự án này. UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 2, với kinh phí 128 triệu đồng. Năm 2023, tổng kinh phí thực hiện Dự án 3 là 671 triệu đồng. Đến nay, địa phương đã phân bổ 503 triệu đồng và đang chờ quy định cụ thể về mức hỗ trợ thực hiện một dự án phát triển sản xuất để có thể giải ngân. Huyện cũng đã thực hiện việc hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho 376/736 hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ. Bên cạnh các dự án đã và đang được triển khai, Khánh Sơn vẫn còn một số tiểu dự án trong các dự án 4, 6, 7 chưa thể giải ngân vốn hoặc giải ngân thấp do còn gặp một số vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những công trình, dự án đang được triển khai có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương. Những công trình, dự án này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo chuyến biến trong sản xuất của người dân. Hạ tầng cơ sở được đầu tư thêm, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa huyện Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng cho người dân về ý thức, trách nhiệm và lợi ích khi tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn còn nhiều khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc giải ngân các dự án phải đúng tiến độ, không để vốn tồn đọng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực…/.
Hương Thu
TAG: