Huyện Kế Sách (Sóc Trăng): Tri ân người có công bằng cả tấm lòng
(LĐXH)- Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong nhiều năm qua, huyện Kế Sách đã triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kế Sách, trên địa bàn huyện có 246 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 14 Mẹ và được các cấp, các ngành nhận phụng dưỡng đến cuối đời bằng tiền mặt mỗi tháng từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng/người.Thương binh Nguyễn Hồng Sơn ở thị trấn Kế Sách chăm sóc cây xanh ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện
Tổng số cán bộ lão thành cách mạng - tiền khởi nghĩa là 76 người và nhận trợ cấp thường xuyên là 3 người; tổng số liệt sĩ là 2.500 người, thân nhân đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 559 suất; tổng số người được hưởng huân chương, huy chương kháng chiến là 2.399 người, hiện còn sống và đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 47 người; tổng số thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh hơn 1.000 người; tổng số người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp là 40 người; tổng số người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là 457 người và nhận trợ cấp thường xuyên là 393 người; tổng số người có công cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi thường xuyên tính đến nay là 1.659 người.
Hàng tháng, huyện đã thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công với tổng kinh phí gần 2,6 tỉ đồng. Trong năm qua (2019), huyện Kế Sách còn thực hiện công trình tôn tạo, ốp đá granite trên 294 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện, trị giá hơn 2 tỉ đồng, nhằm tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bằng những hành động cụ thể, không chỉ làm tốt công tác rà soát, không bỏ sót người được thụ hưởng và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, địa phương còn thực hiện vận động sự hỗ trợ đóng góp của nhà hảo tâm, kịp thời hỗ trợ, tương trợ, nhất là những gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, lãnh đạo huyện và các cấp, các ngành đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định, gắn liền với việc vận động xã hội hóa, chăm lo phát triển cơ sở hạ tầng đối với các địa phương vùng nông thôn sâu, vùng căn cứ kháng chiến của huyện theo hướng kiên cố hóa, tạo diện mạo mới đối với vùng căn cứ kháng chiến.Huyện luôn quan tâm, chăm sóc các đối tượng người có công (Ảnh minh họa)
Mặt khác, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách và người có công với cách mạng bằng những việc làm, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp.
Ngoài việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện còn chủ động phối hợp các ngành liên quan cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi, cây, con giống, kỹ thuật canh tác nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Hiện tại, huyện Kế Sách không còn hộ gia đình chính sách nghèo.
Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện còn tranh thủ sự hỗ trợ của trên tạo điều kiện cho gia đình chính sách, người có công đi điều dưỡng tập trung ngoài tỉnh và điều dưỡng tại gia đình. Dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ tới đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Kế Sách tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu; phối hợp Huyện đoàn Kế Sách tổ chức đêm thắp nến tri ân trên các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện và các hoạt động khác nhằm ghi nhận công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Một trong những địa phương làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Kế Sách là xã Ba Trinh. Đây là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng của huyện Kế Sách. Đảng bộ, chính quyền đã thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Địa phương có 521 gia đình chính sách, xã đã chỉ đạo các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở đều triển khai thực tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với các gia đình chính sách bằng nhiều hình thức, giúp các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hiện 100% gia đình chính sách đều xây cất nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã còn quan tâm đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyển chọn công chức cho con em thuộc diện gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ vốn, cây, con giống để các gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình./.
PV
TAG: