Theo đó, huyện Kế sách đã giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm GDNN – GDTX huyện cùng các UBND xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức hội nghị, hội thảo, đối thoại, Phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn việc làm, nghề nghiệp và xuất khẩu lao động nhằm tạo điều kiện cho lao động tại địa phương tìm việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm Trực tuyến tại huyện và trực tiếp tại xã, thị trấn tạo cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua hoạt động giới thiệu việc làm
Ông Đỗ Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kế Sách cho biết: Với nỗ lực đó, tính từ đầu năm đến nay, huyện Kế Sách đã tổ chức giới thiệu việc làm cho trên 2.306 người có nhu cầu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt 104,82% kế hoạch. Trong đó, lao động được giới thiệu làm việc trong tỉnh 502 người, lao động làm việc ngoài địa bàn tỉnh 1.485 người, lao động tự tạo việc làm 294 người. Trong tổng số 2.306 lao động được giới thiệu việc có 1.215 lao động nữ, lao động dân tộc Khmer 283 người. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay huyện đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn và đưa 25 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các thi trường như: Nhật Bản 06 người, Đài Loan 16 người và Hàn Quốc 03 người) đạt 100% so với kế hoạch được giao.
Bế giảng lớp dạy nghề đan lục bình cho lao động nông thôn ở huyện Kế Sách
Bên cạnh đó, trong năm 2023, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt ưu tiên lao động là con em diện chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2023, tổng số lao động qua đạo tạo là 2.475 người, đạt 103,13%, số lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ là 837 người so với kế hoạch. Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX mở 27 lớp có 486 người, còn lại là các ngành, đoàn thể huyện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có dạy nghề theo hình thức dạy nghề kèm cặp, truyền nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75,19%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 33,06 % kế hoạch.
Trao chứng chỉ nghề cho lao động nông thôn hoàn thành khoá đào tạo
Ông Châu Văn Cương, Giám đốc Trung tâm GGNN – GDTX huyện Kế Sách cho biết: Công tác đào tạo nghề thời gian qua đã thu hút được số lao động nhàn rổi ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời tạo tiền đề mở rộng qui mô đào tạo nghề trong thời gian tới, tạo được ý thức cho người nghèo học nghề tạo việc làm tự vươn lên để thoát nghèo bền vững. Mặt khác, mạng lưới các cơ sở dạy nghề của địa phương có bước phát triển, việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá và đa dạng hoá về loại hình đào tạo, ngành nghề đào tạo, phương thức đào tạo được duy trì đẩy mạnh, mang lại kết quả trong việc hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề, mở rộng ngành nghề đào tạo, huy động nguồn lực từ người học nghề, từ các cơ sở sản xuất và từ xã hội cho công tác đào tạo nghề. Ngoài ra, nhu cầu học nghề để tạo được việc làm ngày càng được đông đảo nhân dân lao động quan tâm và nhận thức được đây là yêu cầu cần thiết để người lao động có cơ hội tìm việc làm và tự tạo việc làm.
Để có được những kết quá trên theo ông Châu Văn Cương, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Kế Sách là nhờ công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm để phổ biến các chế độ, chính sách ưu đải đối với lao động nông thôn kịp thời. Đồng thời giải thích cho người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề hiện nay để người lao động tự nguyện tham gia và có trách nhiệm trong học tập. Cùng với đó, các xã, thị trấn trên địa bàn đều có quan tâm công tác đào tạo nghề cho người dân và coi đây là công tác hết sức quan trọng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao mức sống gia đình.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là giải pháp giảm nghèo bền vững được huyện Kế Sách triển khai thực hiện đồng bộ
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, huyện Kế Sách sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương nói chung và của cả nước nói riêng. Theo đó, huyện Kế Sách đề ra các chỉ tiêu và giải pháp đồng bộ như: Phấn đấu giải quyết việc làm mới cho trên 2.200 người; đào tạo nghề cho 2.450 người, trong đó lao động được đào tạo cấp chứng chỉ nghề 850 người; Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa 25 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Huyện Kế Sách cũng phấn đấu nâng tỳ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 34%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 -3%, trong đó đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 3 -4%.
Để đạt các mục tiêu trên, huyện Kế Sách đề ra các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và người có công với cách mạng. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong thời gian tới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Vương Linh