An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Chú trọng an toàn vệ sinh lao động
03:09 PM 29/03/2019
Hữu Lũng là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ đá, sản xuất vật liệu xây dựng, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Để hạn chế, phòng ngừa tai nạn lao động, cấp chính quyền, ngành chức năng huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho doanh nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Tại Phân xưởng khai thác, sản xuất đá xây dựng trên địa bàn xã Đồng Tân (thuộc Công ty HCC78), công tác giao ca được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định. Cụ thể như: khi bàn giao ca làm việc giữa các đội, phải ghi vào sổ nhật ký, kiểm tra toàn bộ trang thiết bị máy móc đảm bảo an toàn, bảo hộ lao động cho công nhân mới bắt đầu vào thực hiện công việc.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc phân xưởng cho biết: Hiện phân xưởng có trên 30 công nhân. Do tính chất công việc liên quan đến nổ mìn, nên khai thác, đá đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, chỉ một sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến tai nạn lao động. Vì vậy, chúng tôi kiểm tra toàn bộ thiết bị, máy móc, hiện trường đảm bảo mới cho hoạt động. Đồng thời, trang bị bảo hộ cho toàn bộ công nhân, trường hợp nào không đảm bảo an toàn về bảo hộ lao động sẽ không cho vào làm việc. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động; phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn đảm bảo ATVSLĐ cho lãnh đạo, nhân viên chủ chốt; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân… Vì vậy, nhiều năm qua, phân xưởng không xảy ra mất ATVSLĐ hoặc tai nạn lao động.
Chế biến gỗ bóc tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt trên địa bàn xã Đồng Tân

Tại Công ty TNHH Võ Nói, ông Nguyễn Giảng Võ, Giám đốc công ty cho biết: Công ty hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng. Những năm qua, công ty thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, trang bị tủ thuốc y tế để sơ cấp cứu tai nạn theo quy định. Cùng với đó, treo pa nô, khẩu hiệu tại cơ sở sản xuất để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của công nhân trong chấp hành các quy định về an toàn lao động… Qua đó, nhiều năm qua, đơn vị không xảy ra tai nạn lao động, ATVSLĐ được đảm bảo.

Không chỉ hai doanh nghiệp trên, hiện các doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động…

Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, cấp chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn huyện chú trọng các biện pháp. Trong đó, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; Liên đoàn Lao động huyện; UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền về ATVSLĐ tới người dân và doanh nghiệp, nhất là vào dịp tháng hành động về ATVSLĐ. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện tổ chức được 15 cuộc tuyên truyền, cấp phát trên 5.000 bộ tài liệu về ATVSLĐ; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở 3 lớp tập huấn ATVSLĐ cho trên 200 cán bộ, quản lý của các doanh nghiệp.

Song song với đó, huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một số doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ trên địa bàn. Từ năm  2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã kiểm tra 13 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, chế độ lao động cho công nhân được đảm bảo, các loại máy móc thiết bị có đầy đủ hồ sơ kiểm định chất lượng của cơ quan có thẩm quyền… Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào.

Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 150 doanh nghiệp, trong đó có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác đá. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động xảy ra cao nếu không làm tốt công tác ATVSLĐ. Vì vậy, hiện nay, phòng tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra 12 đến 15 doanh nghiệp có điều kiện lao động trong môi trường độc hại, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Cùng với đó, tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp khắc phục hạn chế, thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động, mất ATVSLĐ trên địa bàn.

Đỗ Hoạt

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững