An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Định Hóa: Quan tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
09:08 AM 27/11/2023
(LĐXH)- Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Huyện tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2023

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, gồm 22 xã và 01 thị trấn; diện tích trên 50 km2 với dân số trên 90.000 người. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Đến năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện Định Hóa có 2.389 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,02%; 1.925 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,26%. Nguyên nhân chủ yếu của các hộ rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo là không có đất sản xuất, không có vốn để sản xuất, kinh doanh, trong hộ không có lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là 70,35%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 30,1%. Trên 90% người lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí thực hiện năm 2023 trên địa bàn huyện Định Hóa là 10.694 triệu đồng, trong đó kinh phí năm 2023 là 7.742 triệu đồng; kinh phí năm 2022 chuyển nguồn sang 2023 là 2.952 triệu đồng. Huyện đặt mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 là giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của toàn huyện từ 5,5% trở lên; Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 2,88% trở lên (763 hộ); Giảm tỷ lệ hộ cận nghèo toàn huyện từ 2,62% trở lên (698 hộ); Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Huyện Định Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở kinh phí được phân bổ theo Quyết định số 173/QĐ-UBND ngày 10/02/2023 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tỉnh Thái Nguyên, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện đã chỉ đạo xây dựng, trình UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện năm 2023; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình. Đồng thời phân công các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.

Hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi gà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện

Tính đến 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân kinh phí năm 2023 là 0%; nguyên nhân do các dự án năm 2022, 2023 đang trong quá trình thực hiện, chưa hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán. Dự ước đến 31/12/2023, giải ngân kinh phí thực hiện: 10.694 triệu đồng. Huyện đã tập trung thực hiện các dự án thành phần của Chương trình. Trong đó đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn 16 xã, với tổng kinh phí 3.341 triệu đồng. Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại 06 xã. Triển khai hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi; hoạt động về truyền thông dinh dưỡng.

Về Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện được phân bổ kinh phí 404 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; phân bổ kinh phí 730 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững. Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện.

Song song với đó, huyện Định Hóa cũng chú trọng thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình thông qua tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; Học tập kinh nghiệm về công tác giảm nghèo trong và ngoài tỉnh; Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết và các hoạt động khác về công tác giảm nghèo.

Theo đánh giá, sau 02 năm thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực. Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như: Nhà ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh, học tập... Các chính sách về an sinh xã hội khác đã được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Các chính sách giảm nghèo đã tác động làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,37% so với đầu năm 2022. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 7,58 % so với đầu năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, huyện cũng gặp một số khó khăn như: Tiểu dự án: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn chưa thực hiện được do các nguyên nhân: Quy định thực hiện trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; UBND tỉnh chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở để đặt hàng đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 03 tháng.

Tiểu dự án Truyền thông về giảm nghèo đa chiều còn khó khăn trong thực hiện do còn có những khác biệt về quy định trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính. Việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã đã về đích nông thôn mới gặp khó khăn do tỷ lệ đối ứng và tỷ lệ quay vòng vốn cao.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có hiệu quả cao, huyện Định Hóa đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn trên địa bàn các tỉnh không có huyện nghèo do huyện Định Hóa được phân bổ vốn nhưng không thực hiện được do tỉnh Thái Nguyên không có huyện nghèo. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, chỉnh sửa Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 nội dung thực hiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều thống nhất với Thông tư số 46/2022/TT-BTC, Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở để đặt hàng đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 03 tháng./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn