An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Chợ Mới (An Giang): Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế giúp người dân thoát nghèo
09:36 AM 20/05/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã tập trung thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Huyện Chợ Mới đang tập trung thực hiện nghiêm túc các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo
Năm nay, chú Lê Minh Triết, ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông đón nhận niềm vui “kép” khi vừa mới được xây dựng căn nhà mới khang trang sau gần nửa đời người tích cóp và chính quyền hỗ trợ 2 con bò, trị giá 25 triệu đồng trong buổi lễ trao sinh kế mô hình giảm nghèo, Dự án “Nuôi bò thịt” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là chương trình giảm nghèo bền vững) vừa qua. Với kinh nghiệm chăn nuôi hơn 20 năm, chú khẳng định đây là điều kiện cần thiết để gia đình chú vươn lên thoát nghèo.
Chú Lê Minh Triết bộc bạch: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, trong 18 tháng này, tôi có thể nuôi bò được 2 đợt, nhưng vẫn sẽ đảm bảo trả 20% lại cho nhà nước đúng hạn”
Anh Nguyễn Văn Chài, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hội Đông cũng phấn khởi nói: “Cũng thay mặt 21 hộ gia đình hộ nghèo được nhận sinh kế, xin một lần nữa cảm ơn Đảng ủy xã Mỹ Hội Đông đã giúp cho bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Quanh năm làm thuê, làm mướn cho hàng xóm, thu nhập bấp bênh chỉ đủ trang trải qua ngày, dù có sẵn tinh thần “chí thú làm ăn”, chăm lo kinh tế nhưng anh Bùi Thanh Tâm, xã An Thạnh Trung vẫn chưa thoát khỏi hộ nghèo, do không có nguồn vốn tích lũy nhưng nhờ nhận được bò trong đợt trao sinh kế vừa qua, anh tự nhủ sẽ cố gắng tự lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên.
Anh Bùi Thanh Tâm chia sẻ: “Được hỗ trợ cặp bò này, ngoài giờ làm thuê, làm mướn sẽ cắt cỏ cho bò ăn và nuôi bò ăn thêm, nâng cao vốn để nuôi bò thêm để em có thêm thu nhập cao hơn”.
Đến nay, Phòng LĐTBXH huyện Chợ Mới đã tham mưu UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện 13 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng ở các xã, thị trấn, trong đó 10 mô hình nuôi bò thịt ở các xã: Kiến An, Kiến Thành, Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, Hòa Bình, Hội An, Mỹ An, An Thạnh Trung, Long Kiến; 01 mô hình nuôi cá chạch ở xã Hòa An; 01 mô hình đan đát, 01 mô hình may công nghiệp ở Long Giang, hỗ trợ nguồn vốn cho 169 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Mỗi hộ nghèo, cận nghèo nhận mức hỗ trợ tối đa là 25 triệu đồng; hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ tối đa là 20 triệu đồng bằng hiện vật để mua con giống, nguyên, vật liệu sản xuất. Các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng mô hình hỗ trợ sinh kế, được tập huấn, trang bị kỹ năng, hầu hết đã có động lực vươn lên để thoát nghèo.
Ông Tôn Thành Tâm, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Chợ Mới cho biết: Phần đông đã đi vào tổ chức thực hiện được. Phần còn lại để thực hiện công việc tồn tại của năm 2023, chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo nghề, hướng dẫn xuất khẩu lao động. Để cho bà con đảm bảo cuộc sống, đồng thời vận động mạnh thường quân hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có một số vốn tiếp tục mưu sinh trong thời gian tới. Đồng thời, huyện cũng cố gắng đảm bảo mọi người dân hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới”.
Hiệu quả từ việc hỗ trợ sinh kế đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở Chợ Mới, từ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, đến cuối năm 2023 còn 1.239 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,44% (giảm 0,51%). Tỷ lệ hộ cận nghèo là 1.944 hộ, đạt 2.26% (giảm 0,56% so cùng kỳ)
Với ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực, chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện trên địa bàn huyện Chợ Mới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững được coi là giải pháp trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2024, tổng nguồn vốn giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Chợ Mới là hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/4, huyện đã giải ngân nguồn vốn gần 520 triệu đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, tư vấn về học nghề, xuất khẩu lao động, tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm, tập huấn, tuyên truyền, đối thoại chính sách với người nghèo.
Tại buổi giám sát, đánh giá triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại huyện Chợ Mới, đồng chí Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTBXH An Giang đề nghị huyện tiếp tục quan tâm thực hiện các mô hình, dự án gắn với phát triển làng nghề, phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân. Rà soát các hộ dân thoát nghèo trong 36 tháng để kịp thời hỗ trợ thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và thường xuyên phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp cho thanh niên.../.
Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật