Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Huyện Bố Trạch: chăm lo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng
10:43 AM 04/06/2021
LĐXH - Là địa bàn đặc thù, có nhiều xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và người theo tôn giáo, Đảng bộ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình luôn xem việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Từ việc tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, đề án quan trọng liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội ở vùng ĐBDTTS, đồng bào có đạo ngày càng ổn định và có bước phát triển vững chắc.

Huyện Bố Trạch có 4 xã, thị trấn có ĐBDTTS, trong đó có 2 xã miền núi rẻo cao (Tân Trạch và Thượng Trạch) và 8 xã có đồng bào theo tôn giáo (trong đó, Công giáo chiếm trên 15% và Phật giáo chiếm 0,37% dân số toàn huyện). Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, những năm qua, Đảng bộ huyện Bố Trạch đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm các xã vùng có đạo, ĐBDTTS. Trong quá trình xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện đã vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương để tạo điều kiện, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật của đồng bào. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động phát triển đoàn viên, hội viên và tăng cường xây dựng lực lượng cốt cán cho phong trào quần chúng ở các địa phương có ĐBDTTS và người theo tôn giáo. Cùng với đó, các chương trình, dự án, đề án vùng ĐBDTTS được cả hệ thống chính trị huyện tập trung triển khai đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về các tập tục, hủ tục lạc hậu, chăn nuôi, trồng trọt theo lối truyền thống của bà con. Nhờ đó, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, đời sống ĐBDTTS, đồng bào có đạo ngày càng được nâng lên; nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý về công tác tôn giáo được cải thiện rõ nét; bà con đã đổi mới căn bản, toàn diện về phương thức sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế, tiến tới xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Đời sống đồng bào dân tộc ở Bố Trạch ngày càng được cải thiện tích cực
(Nguồn ảnh: UBND huyện Bố Trạch)

Tân Trạch và Thượng Trạch là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm về phía Tây của huyện Bố Trạch, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện Bố Trạch đã xây dựng và triển khai “Đề án phát triển kinh tế-xã hội hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch”, xem đây là yêu cầu cấp bách trong phát triển chung của toàn huyện, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai xã. Sau 4 năm thực hiện Đề án, đến nay, bộ mặt của 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn này đã có sự đổi thay căn bản; đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS từng bước được cải thiện và nâng lên. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã giảm 2-3%. ĐBDTTS đã có nếp sống tiến bộ hơn, quan tâm hơn đến việc học tập của con em, có ý thức chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn 2 xã ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hoá. Dự án thiết lập hệ thống truyền dẫn và mạng truy nhập băng rộng cố định tại 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch hoàn thành, đưa internet về với bản làng được xem là một bước ngoặt lớn trong thực hiện chính sách dân tộc của huyện Bố Trạch.

Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống chính trị 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch được kiện toàn từ cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Đến nay, xã Thượng Trạch có 22 chi bộ Đảng, Tân Trạch có 4 chi bộ; trong đó, 20/20 bản đều có tổ chức đảng và 6 chi bộ cơ quan, trường học. Riêng xã Thượng Trạch, đảng viên là cán bộ, công chức được phân công về từng bản tham gia sinh hoạt. Năm 2017, Chi bộ xã Tân Trạch được nâng lên thành Đảng bộ, tăng thêm 1 chức danh Phó Bí thư Đảng bộ, góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền 2 xã được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức được biên chế đầy đủ theo quy định.

Tới đây, Đảng bộ huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới. Các giải pháp đều nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm lo cho ĐBDTTS và đồng bào theo tôn giáo./.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ