Huy động xã hội hóa sàng lọc lao miễn phí cho người dân nghèo
(LĐXH)- Sàng lọc để phát hiện lao sớm được coi là chìa khóa trong phòng chống bệnh lao hiệu quả. Tuy nhiên, ở những vùng khó khăn, việc sàng lọc và thăm khám sức khỏe định kỳ với nhiều nhiều người dân vẫn là điều trở ngại.
Vẫn còn nhiều ca lao chưa được phát hiện
Sau gần 2 tháng điều trị tích cực bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Phú Thọ bà N.T.L đã được về nhà điều trị ngoại trú. Hàng tháng bà chỉ cần ra khám lại và lấy thuốc. Nhà ở Đoan Hùng cách bệnh viện phổi tỉnh không quá xa nhưng vì điều kiện kinh tế nên dù có các triệu chứng như: mệt mỏi, không muốn ăn, và ho liên tục nhưng bà L vẫn không dám đi khám. Ra trạm y tế xã vì thiếu các trang thiết bị nên bà được khuyến cáo lên tuyến trên để kiểm tra nhưng vì không có tiền với không nghĩ mình mắc lao nên cứ chần chừ lần nữa mãi không đi. Kết quả là sau gần một tháng có các triệu chứng, bà bị ngất và được đưa đi cấp cứu thì lúc này thì bệnh lao của bà đã ở giai đoạn nặng khiến cả thời gian và chi phí điều trị đều nhiều hơn.
“Tôi chỉ nghĩ do họng hoặc do phổi mình có vấn đề chứ không biết gì đến bệnh lao,chỉ đến khi đến viện mới biết mình mắc lao. Cũng may tôi mắc lao nhưng không lây nên đã không làm ảnh hưởng đến người thân và mọi người xung quanh”, bà L giãi bày.
Buổi khám sàng lọc lao tại Đắk Lắk.
Không được may mắn như bà L., bà L.T.C xã Thanh Hưng huyện Ðiện Biên ( Điện Biên) phát hiện mắc lao kháng thuốc trong lần thứ 2 vào Bệnh viện Phổi tỉnh điều trị bệnh. Khoảng một tháng trước khi vào viện, bà L.T.C ho khạc đờm nhiều, đờm đặc, kèm theo khó thở, nhiều khi phải gắng sức để thở, người mệt mỏi, cảm giác gai rét ớn lạnh về chiều, sút cân.
Vì điều kiện kinh tế nên bà đánh liều tự mua kháng sinh về uống nhưng không đỡ nên đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị lao phổi và lao kháng thuốc. Với tình trạng lao kháng thuốc, theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bà phải điều trị lâu dài mới có thể khỏi bệnh.
Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm, xảy ra khi vi khuẩn lao kháng với một hoặc nhiều thuốc lao cùng lúc khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều, có thể lên đến 24 tháng. Lao kháng thuốc khiến việc điều trị tốn kém hơn rất nhiều lần; tỉ lệ khỏi bệnh chỉ khoảng 50 - 70% trong tổng số người mắc và có nguy cơ tử vong cao.
Nguyên nhân mắc lao kháng thuốc có thể đến từ việc bệnh nhân không tuân thủ theo đúng phác đồ, khi thấy đỡ đã tự ý dừng thuốc hay điều trị ở những nơi không đủ chuyên môn dẫn đến uống thuốc kém chất lượng, sai phác đồ.. Có trường hợp bệnh nhân là người chưa từng mắc lao, nhưng ngay ở lần đầu tiên đã nhiễm lao kháng thuốc do sống ở môi trường có sẵn vi khuẩn lao kháng thuốc.
Khi người mắc lao điều trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, tiếp theo sẽ dẫn tới đa kháng thuốc và nặng nhất là siêu kháng thuốc.
Khám xét nghiệm sàng lọc bệnh lao cho người dân tại Đắk Lắk.
Sàng lọc lao miễn phí cho người dân nghèo Tây Nguyên
Thực tế hiện nay dù chưa có số liệu, thống kê về thực trạng lao ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn nhưng phản ánh từ số liệu, báo cáo từ các địa phương cho thấy, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, bản thân lại không có thẻ bảo hiểm y tế nên phần lớn người dân khi có triệu chứng của bệnh lao thường không đi kiểm tra mà để vào giai đoạn muộn, sức khỏe suy kiệt mới đi viện. Lúc này phát hiện lao đã ở thể nặng.
Để hỗ trợ cho người dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa được khám sàng lọc bệnh lao, từ năm 2022 Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) hỗ trợ các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng. Ngoài ra, SCDI cũng đã hỗ trợ bệnh nhân nghèo mua thẻ BHYT để họ yên tâm điều trị, nâng cao ý thức trong nhận biết và phòng chống bệnh lao; ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.
Tại những tỉnh này, thay vì đợi những người có triệu chứng đến cơ sở y tế khám, chiến lược mới tập trung sàng lọc trên nhóm có nguy cơ cao là cách tiếp cận có hiệu quả nhằm chấm dứt bệnh lao ở cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị. Quy trình sàng lọc lao tại cộng đồng sẽ bao gồm những bước chính là chụp X-quang tại xe chụp XQ lưu động, sau đó, những người có hình ảnh X-Quang bất thường nghi lao sẽ được lấy mẫu đờm và chuyển gửi đến cơ sở để làm chẩn đoán.
Những người có kết quả dương tính với lao sẽ được hỗ trợ đưa vào chương trình điều trị. Người nhà, người tiếp xúc gần với họ sẽ được chỉ định để xét nghiệm lao tiềm ẩn. Ai có lao tiềm ẩn cũng sẽ được thu dung vào điều trị tại tổ lao quận/huyện hoặc bệnh viện. Những người có hình ảnh X-quang bất thường sẽ tiếp tục được theo dõi trong 15 ngày sắp tới. Hoạt động có vai trò rất quan trọng vì đã phát hiện những người mắc lao, có lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Chủ động sàng lọc những người có nguy cơ cao nhưng hạn chế trong tiếp cận nguồn thông tin, phòng ngừa, điều trị bệnh giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân họ, giảm nguy cơ lây lan và an toàn cho cả cộng đồng. Bên cạnh đó, SCDI đã huy động, kết nối, củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao (CSET - Community System to TB) và thúc đẩy sự tham gia của mạng lưới trong công tác ứng phó với bệnh lao tại các tỉnh, thành thực hiện dự án. Với những hoạt động cụ thể trong năm 2022 tại Đắk Nông đã thực hiện 17 cuộc sàng lọc cho hơn 5.000 người dân tại huyện Cư Jút.
Tương tự tại Đắk Lắk thực hiện sàng lọc cho hơn 3.000 người dân tại 3 xã huyện Ea Kar, phát hiện 16 ca lao hoạt động. Tháng 11/2022 tiếp tục thực hiện sàng lọc tại huyện Ea Hleo tại 6 xã (Ea H’leo, Ea Ral, thị trấn Ea Đrăng, xã Điê Yang, xã Ea Sol) cho khoảng 1.800 người. Còn tại Gia Lai thực hiện sàng lọc tại 10 xã của huyện Krông Pa với hơn 6.000 người. Như vậy trong năm 2022 đã thực hiện sàng lọc cho tổng số 16.637 người, phát hiện 112 ca lao hoạt động, chuyển gửi vào điều trị 112 ca, phát hiện 84 ca lao tiềm ẩn, chuyển gửi vào điều trị 70 ca. Với những kết quả đạt được năm 2022, 9 tháng năm 2023 SCDI tiếp tục thực hiện sàng lọc lao chủ động cho 18.959 người dân tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Phát hiện 163 ca lao hoạt động, chuyển gửi vào điều trị 128 ca, phát hiện 292 ca lao tiềm ẩn, chuyển gửi vào điều trị 195 ca. Những con số trên cho thấy, chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nói chung và chấm dứt bệnh lao ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn nói riêng nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao rất cần sự vào cuộc của các tổ chức, xã hội để công tác phòng chống lao đạt được mục tiêu như kỳ vọng./.
Lan Hương