An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hướng sinh kế bền vững cho hộ mới thoát nghèo ở Giao Thủy (Nam Định)
02:01 PM 28/09/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Giao Thuỷ (Nam Định) đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với những hộ mới thoát nghèo, để đảm bảo hỗ trợ tối đa phát triển kinh tế hộ, giúp thoát nghèo bền vững.
Tính đến ngày 31/5/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đạt 358 tỷ 123 triệu đồng với 15.660 hộ còn dư nợ. Từ đầu năm, ngân hàng đã giải ngân 48 tỷ 984 triệu đồng tạo điều kiện cho 1.638 hộ được vay vốn ưu đãi, trong đó tập trung vào các chương trình: nước sạch và vệ sinh môi trường (134 tỷ 904 triệu đồng); hộ cận nghèo (119 tỷ đồng); hộ mới thoát nghèo (42 tỷ 613 triệu đồng). Tỷ lệ nợ quá hạn thấp chỉ chiếm 0,08% tổng dư nợ. Nhiều xã có dư nợ lớn như Hồng Thuận (23 tỷ 336 triệu đồng); Giao Xuân (22 tỷ 138 triệu đồng); Giao Lạc (19 tỷ 116 triệu đồng); Giao Hà (21 tỷ 507 triệu đồng); Giao Thịnh (20 tỷ 629 triệu đồng). Nhất là đối với các đối tượng hộ mới thoát nghèo được ngân hàng đặc biệt quan tâm để đảm bảo hỗ trợ tối đa phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững. Hiện toàn huyện có 942 hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Trong 5 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã giải ngân cho 122 hộ với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Ngân hàng CSXH huyện Giao Thủy có nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo
Ông Lưu Văn Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ khẳng định: Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các cấp, ngành ở địa phương tham mưu cho UBND huyện, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện triển khai công tác cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn; tổ chức triển khai các quy trình nghiệp vụ cho vay hộ mới thoát nghèo đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong chi nhánh và các điểm giao dịch tại các xã thực hiện cho vay đảm bảo theo đúng quy định. Tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người dân, hướng dẫn về cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách. Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được đánh giá là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người dân. Nguồn vốn này đã kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, duy trì kết quả cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.
Tại xã Giao Lạc, hiện tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 19 tỷ 116 triệu đồng với 659 hộ. Đã có 49 hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình hộ mới thoát nghèo với tổng dư nợ là 2 tỷ 192 triệu đồng. Thời gian qua, cả 3 tổ chức đoàn thể của xã là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phân bổ, tập trung vào các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH Giao Thuỷ, nhiều hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong đó phải kể đến hộ gia đình ông Trần Văn Tiến ở xóm 6 - một hộ mới thoát nghèo được ngân hàng hỗ trợ vốn để nuôi trâu sinh sản. Ông Tiến chia sẻ: “Niềm vui của gia đình nhân đôi khi vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo, lại được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ chính sách của Nhà nước, được ngân hàng cho vay vốn với chu kỳ dài, lãi suất hợp lý mà gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên. Từ 50 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH Giao Thuỷ, tôi đã đầu tư 1 cặp trâu sinh sản. Đàn trâu được chăm sóc tốt, đẻ đều nên gia đình tôi đã nhân lên được 7 con. Đến nay, chúng tôi đã có thể bán thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng”. Hay như gia đình ông Đinh Văn Khoát ở xóm 11 được vay 80 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo của ngân hàng, ông đã đầu tư 4 sào ao nuôi 700 con ba ba giống. Trong thời gian tới, ba ba sinh trưởng và phát triển tốt, ông sẽ bán đi để lấy tiền trả ngân hàng và lấy vốn làm ăn.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Tiến cũng đề xuất Ngân hàng CSXH Giao Thuỷ kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 3 năm lên 5 năm, đồng thời bổ sung đối tượng có thu nhập và hoàn cảnh tương đồng như hộ mới thoát nghèo nhưng trước đây chưa nằm trong danh sách điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, kéo dài thời hạn cho vay lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như cây ăn trái, cây công nghiệp; nuôi trâu, bò... Đơn cử như nuôi trâu từ lúc mới đẻ đến lúc đạt đủ độ trưởng thành xuất bán bình quân phải từ 4 năm trở lên, với thời hạn cho vay hiện tại khó có đủ thời gian để quay vòng vốn, đảm bảo trả nợ ngân hàng. Còn theo ông Đinh Văn Khoát để đạt được đến trọng lượng xuất bán từ 1kg trở lên, bình quân người nuôi phải mất 3 năm chăm sóc. Chưa kể, để tiếp tục duy trì sản xuất, ông Khoát sẽ phải tiếp tục đầu tư tiền giống và cải tạo ao đầm, lúc đó việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng CSXH, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đề nghị các cấp, ngành đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo) lên tối đa 5 năm; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài. Mở rộng cho vay đối với người lao động là thành viên của hộ mới thoát nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài./.
PV
TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch