Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hưng Yên: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
03:04 PM 07/12/2017
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, đất hẹp, người đông, phần lớn nhân dân sống ở khu vực nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân, năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết số 06 – NQ/TU về Chương trình dạy nghề, việc làm, giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 – 2015, một số định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
 Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các xã, phường, thị trấn đã nghiêm túc quán triệt, học tập và cụ thể hóa thành kế hoạch hoặc chương trình thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TU, đồng thời lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ về dạy nghề cho lao động nông thôn vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 05 năm. Hầu hết các địa phương đã đưa công tác dạy nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục với phương châm mưa dầm thấm lâu giúp người dân hiểu được vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, cấp ủy, chính quyền địa phương còn chú trọng thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với khai thác thế mạnh của từng địa bàn, tạo việc làm mới cho người lao động địa phương.
Để dạy nghề cho lao động đòi hỏi phải phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngay từ tháng 12/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dạy nghề tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện chủ trương này, trong nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các trường về đầu tư xây dựng tại địa phương, đồng thời củng cố, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo hướng phù hợp với nhu cầu đào tạo của người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 08 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 15 trung tâm và 09 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang từng bước được đầu tư nâng cấp. Diện tích trung bình mỗi cơ sở khoảng 22 nghìn m2, diện tích dành cho đào tạo nghề là hơn 18 nghìn m2; bình quân mỗi cơ sở có 20 phòng học, 05 xưởng thực hành. Hằng năm, tỉnh quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; đầu tư cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở như công tác tuyển sinh, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bổ sung về số lượng. Về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao, dần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề thực hiện ở 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và ngắn hạn với trên 70 ngành nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã chủ động xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo theo quy định, bám sát nhu cầu thực tiễn, có sự tham gia của doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ. Hiện nay, Hưng Yên có 03 trường được lựa chọn nghề trọng điểm với 10 nghề trọng điểm, trong đó có 02 nghề trọng điểm khu vực ASEAN và 08 nghề trọng điểm quốc gia.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trở thành phong trào sâu rộng của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh
Mặt khác, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề, góp phần thu hút đông đảo lực lượng lao động trẻ. Đối với lao động nông thôn tham gia học nghề theo Đề án hỗ trợ lao động nông thôn học nghề của tỉnh được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề tùy theo từng nhóm đối tượng thụ hưởng và thùy theo từng nghề học. Lao động nông thôn tham gia học nghề theo Đề án được cam kết tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp. Đối với lao động học nghề nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ được cam kết bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ cho việc tự mở nghề tại gia đình, địa phương. Lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Lao động nông thôn sau khi học nghề được các cơ sở đào tạo tư vấn trực tiếp và giới thiệu việc làm theo cam kết. Sàn giao dịch việc làm của tỉnh thường xuyên cung cấp các thông tin về tuyển dụng lao động và tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động miễn phí. Ngoài ra, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng lao động và có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đối với người lao động.
Cùng với những chuyển biến trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các mục tiêu về dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu được xã hội hóa, gắn kết nhu cầu các bên. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương để tổ chức đào tạo nghề, góp phần thực hiện tốt mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Giai đoạn 2012 – 2017, toàn tỉnh dạy nghề cho khoảng 220.000 lao động nông thôn. Trong đó: 9.570 người được đào tạo trình độ cao đẳng; 11.580 người được đào tạo trình độ trung cấp; 198.850 lượt người được đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn. Nhóm ngành nghề được đào tạo chủ yếu là nghề phi nông nghiệp, chiếm 57%; nghề nông nghiệp chiếm 20%; nghề dịch vụ và nghề khác chiếm 23%. Trong số các ngành nghề đang được đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, có một số nghề có tỷ lệ học viên theo học cao nhất là: May, Cơ khí - Kỹ thuật, Trồng trọt - Chăn nuôi.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trở thành phong trào sâu rộng của các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệttới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của chương trình dạy nghề cho lao đông nông thôn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh. Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên truyền 2.271 lượt về thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; tổ chức 195 buổi tư vấn định hướng chọn trường, chọn nghề cho 42.100 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh các trường trung học dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thôngLiên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho 5.325 lao động; đã mở được 40 lớp đào tạo nghề may cho 1.230 lao động nông thôn. Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 135 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho trên 11.900 hội viên phụ nữ; xây dựng 25 mô hình, tạo việc làm cho phụ nữ sau đào tạo nghề. Hội Phụ nữ các huyện, thành phố tổ chức 168 lớp dạy nghề cho 5.020 phụ nữ; tổ chức 2.307 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 236.376 lượt hội viên; xây dựng 90 mô hình, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tư vấn dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho 22.787 phụ nữ. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 141 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 4.900 hội viên nông dântổ chức 230 buổi tuyên truyền, tư vấn về học nghề, việc làm cho trên 14.000 lượt hội viên; tổ chức 27 lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn miễn phí cho 840 học viên. Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức 223 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho 10.651 lượt hội viên và nhân dân; tổ chức 54 buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức tại các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá, lao động đã có việc làm sau khi học nghề ở các cấp trình độ đạt cao, trong đó: cao đẳng trên 95%; trung cấp trên 90%; sơ cấp và ngắn hạn trên 80%. Số lao động còn lại hoặc đã có việc làm nhưng chưa phù hợp hoặc đang trong quá trình tìm việc. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người dân lao động, bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,65%; hộ cận nghèo giảm còn 3,44%. Từ nay đến năm 2020, Hưng Yên phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,3-1,5%/năm. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 70 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 60 xã đã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,8% tiêu chí/xã.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thiết nghĩ trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp cần quán triệt và triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 - CT/TW của Ban Bí thư; Kết luận số 06 – KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình dạy nghề, việc làm, giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 – 2015, một số định hướng đến năm 2020; các chương trình, kế hoạch, đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn;nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đào tạo nghề. Đẩy mạncông tác kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm đổi mới cơ bản nhận thức về đào tạo nghề trong toàn xã hội; chú trọng đặc biệt các hoạt động hướng nghiệp, gắn giáo dục phổ thông với công tác hướng nghiệp nghề và khởi nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, coi đây là giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo nghề.
Thực hiện công tác dự báo, quy hoạch về đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng tinh, gọn, nâng cao chất lượng cơ sở dạy nghề và chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ theo hướng xã hội hóa; tiến hành sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các đơn vị dạy nghề không đủ điều kiện dạy nghề, không tuyển sinh được.
Thứ hai, hàng năm, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Thu thập, cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa người lao động - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Phát triển hoạt động đào tạo nghề theo hướng đa dạng, linh hoạt nhưng phải đạt chuẩn về trường lớp, chương trình, giáo trình, về cán bộ, giáo viên, trang thiết bị...; liên kết với các trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường, trong đó tập trung theo 3 nội dung chính là: đào tạo lao động có tay nghề cao phục vụ công cuộc hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp nông thôn; đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và làng nghề truyền thống; đào tạo nghề để xuất khẩu lao động.
Thứ ba, phát triển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; con em gia đình chính sách, hộ nghèo để có nhiều cơ hội việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy thế mạnh từng vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm sau đào tạo.
Thứ tư, nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề: Đầu tư trọng điểm cho các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Triển khai bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo nghề trong thời kỳ mới. Khuyến khích chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề. Thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết; kết hợp giữa đào tạo tại chỗ với thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kết hợp đào tạo kỹ năng nghề với giáo dục đạo đức, tác phong nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động thích nghi với môi trường lao động tiên tiến, hiện đại.
Thứ năm, tăng cường đầu tư nguồn lực nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, tăng cường, tranh thủ mọi nguồn lực trong hoạt động đào tạo nghề đặc biệt là tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm; tăng đầu tư cho các cơ sở làm tốt công tác đào tạo nghề để đảm bảo quy mô và chất lượng đào tạo; tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề để tạo nguồn nhân lực phục vụ lao động, sản xuất. Phát triển hợp tác xã kiểu mới và làng nghề truyền thống.
Thứ sáu, đổi mới cơ chế tài chính; cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động dạy nghề. Có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên và người làm công tác dạy nghề; chính sách thu hút học sinh vào học nghề, nhất là các nghề đột phá, mũi nhọn, có kỹ thuật, công nghệ cao, nặng nhọc độc hại; chính sách hỗ trợ học phí; chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở cơ sở đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là chính sách đất đai đối với cơ sở đào tạo nghề. Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng hoạt động đào tạo nghề; đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động./.

Hữu Chất
TAG:
Tin khác
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo
Đồng Tháp nỗ lực triển khai Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở An Giang