Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Hơn 1.000 người nghèo tại TP.HCM chưa có căn cước công dân, mã số định danh cá nhân
11:41 AM 06/11/2024
(LĐXH) - Ngày 5/11, tại Hội nghị giao ban công tác giảm nghèo bền vững tháng 11/2024 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM tổ chức , đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, cho biết công tác giảm nghèo bền vững của thành phố đang gặp khó khăn với hơn 1.000 trường hợp người nghèo chưa có căn cước công dân, mã số định danh cá nhân.


Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết hai mục tiêu quan trọng nhất của ngành trong thời gian tới là hoàn thành chỉ tiêu toàn thành phố không còn hộ nghèo và xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/4/2025.

Theo ông Minh, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM đã ban hành nghị quyết, đề ra chỉ tiêu cho chương trình giảm nghèo là "đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố".

Đến cuối năm 2022, thành phố đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố chỉ là 0,33%, sớm vượt chỉ tiêu mà Đảng bộ Thành phố đặt ra.

Với kết quả đạt được, TP.HCM muốn tiến thêm một bước trong giai đoạn 2020-2025, quyết tâm xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố trong năm 2025. "Nhiệm vụ này càng thêm thử thách khi TP.HCM vừa điều chỉnh nâng chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024", ông Minh chia sẻ và cho biết: Để hoàn thành mục tiêu này, TP.HCM sẽ tiếp tục đặt ra mục tiêu mới, nâng chuẩn nghèo lên cao hơn, hướng tới năm 2030 sẽ nâng mức chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn cả nước, đây là bài toán khó nhưng không phải là không thực hiện được.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM chia sẻ thông tin về công tác giảm nghèo tại thành phố

Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, cho biết công tác giảm nghèo bền vững của thành phố đang gặp khó khăn với hơn 1.000 trường hợp người nghèo chưa có căn cước công dân, mã số định danh cá nhân.

Việc này không chỉ gây ảnh hưởng cho công tác số hóa dữ liệu an sinh mà còn khó thực hiện các chính sách hỗ trợ để giúp những người nghèo này vươn lên trong cuộc sống.

Bà Hồng Hà chia sẻ: “Họ rất thiệt thòi, không có giấy tờ tùy thân thì không làm được bảo hiểm y tế, khó học hành, không thể vay vốn, khó hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo…”.

Đại diện phòng LĐ-TB&XH các quận huyện, cho biết đã rất tích cực phối hợp với ngành công an để cấp giấy tờ tùy thân cho người nghèo nói riêng và người thuộc diện hỗ trợ an sinh nói chung. Các trường hợp đến nay vẫn chưa có giấy tờ tùy thân đều là những ca khó, có nhiều vướng mắc rất khó giải quyết.

Như tại địa bàn quận 4 còn 3 trường hợp. Trong đó, có 1 trẻ em chưa có giấy khai sinh nên không thể cấp mã số định danh. Trẻ này chưa cấp được giấy khai sinh vì người mẹ cũng không có giấy khai sinh, hiện chính quyền đang hỗ trợ cấp giấy tờ cho người mẹ rồi mới giải quyết cho con. 2 trường hợp còn lại là người đã bị xóa hộ khẩu tại địa phương vì vi phạm pháp luật. Khi họ về lại địa phương thì không còn nhà để nhập khẩu nên cũng không thể giải quyết giấy tờ tùy thân. Hiện địa phương cũng đang tìm cách để làm giấy tờ cho 2 trường hợp này.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Tăng Minh đề nghị phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tích cực phối hợp với ngành công an để hoàn thành việc cấp căn cước công dân, mã số định danh cá nhân, hỗ trợ người dân có giấy tờ để có điều kiện học tập, làm ăn vượt khó; nếu có khó khăn thì đề xuất sở và các ban ngành thành phố hỗ trợ giải quyết.

Trương Đăng

TAG: Hơn 1.000 người nghèo tại TP.HCM chưa có căn cước công dân
Tin khác
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân