Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội
07:07 AM 25/06/2016

(LĐXH)- Chiều ngày 24/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về “Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương  Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH; Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí và Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh. Tham dự Hội thảo còn có bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam; lãnh đạo chủ chốt của 17 tỉnh có công tác dạy nghề phát triển cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế…

 

 

Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH chủ trì Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Nhân lực nói chung, chất lượng nhân lực kỹ thuật trực tiếp nói riêng ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đảng và Nhà nước xác định trong quá trình CNH – HĐH đất nước. Đánh giá chung là tuy có nhiều cải thiện, nhưng lực lượng lao động nước ta chất lượng còn thấp với tỷ lệ lao động phổ thông, không có văn bằng chứng chỉ quá lớn, cơ cấu trình độ của lực lượng lao động hiện tại là hình thang ngược với tỷ lệ lao động có trình độ đại học quá cao. Trước đây, số lượng, tuổi lao động và giá lao động là một trong những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam thì ngày nay, chất lượng lao động mới là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải gấp rút nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật trực tiếp chứ không chỉ chú trọng vào việc tăng quy mô đào tạo.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng: Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, lĩnh vực dạy nghề còn nhiều bất cập. Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học - công nghệ, với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo này nhằm lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế đánh giá lại những mặt được và chưa được của lĩnh vực dạy nghề trong giai đoạn qua, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng thời thảo luận các phương hướng, giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – TBXH) Nguyễn Hồng Minh báo cáo tại Hội thảo: Trong năm 2015, cả nước có trên 1.400 cơ sở dạy nghề, trong đó có 45 trường được chọn để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Đồng thời đã phê duyệt quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế theo đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương. Các ngành nghề đào tạo đa dạng, đến nay đã có tổng số 910 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp. Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề ngày càng được tăng cường, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lao động có chất lượng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo điều tra của Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy, có 80% đến 85% số lao động  qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo. Từ năm 2011 - 2015 đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 400 nghìn người, khoảng 86% trong tổng số đã có việc làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước và xuất khẩu lao động.

 

 

Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo


Đối với các giải pháp về nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, giải pháp “Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” và “Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp” là 2 giải pháp đột phá. Theo đó, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên... Tổng cục dạy nghề đẩy nhanh việc rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, phân tầng chất lượng đào tạo; tái cấu trúc hệ thống GDNN gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; Giao quyền tự chủ cho các nhà trường, khơi dậy tiềm năng, phát huy năng lực của các nhà trường…

 

 

Quang cảnh buổi Hội thảo

 

Tại Hội thảo này, chuyên gia đến từ 8 nước giới thiệu các mô hình đào tạo nghề và khá thành công mà Việt Nam có thể học tập. Đơn cử như hệ thống đào tạo nghề của Đức với mô hình đào tạo kép đáp ứng nhu cầu xã hội gắn dạy nghề tại doanh nghiệp rất thành công, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC thì kinh nghiệm của các nước cho thấy Việt Nam phải xây dựng hệ thống dữ liệu để dự báo được cung - cầu, nhất là cầu thị trường lao động để từ đó xác định từng ngành nghề đào tạo. Một số tỉnh thành Việt nam đã xây dựng dữ liệu, sàn giao dịch việc làm và bước đầu thành công. Do đó, Bộ LĐTBXH có liên kết và dữ liệu chung để xác định cung cầu thị trường lao động, từ đó có đầu tư, hình thành nghề trọng tâm phù hợp với thị trường lao động.

 

 

Chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

 

Hội thảo cũng đã được nghe những tham luận của các tỉnh về giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm của địa phương; đồng thời cũng đề ra một số giải pháp về quy hoạch mạng lưới, về phát triển hệ thống kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý và đổi mới cơ chế chính sách, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp…

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung cho rằng: Cùng với những cơ hội trong quá trình hội nhập, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp, sự không đồng đều về chất lượng nhân lực trong nước. Cơ cấu trình độ đào tạo của lực lượng lao động có bằng cấp không phù hợp với yêu cầu và đi ngược lại xu thế chung của thế giới, lao động có bằng đại học quá cao so với lao động chuyên môn kỹ thuật, lành nghề. Do đó, từ kinh nghiệm dạy nghề của thế giới, thực tiễn tại địa phương, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Ngày hội việc làm tỉnh Ninh Thuận: Tạo nhiều cơ hội cho lao động trẻ đi học tập, làm việc ở nước ngoài
Yên Bái đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài
Giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và bền vững
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024