Thị trường - Tiêu dùng
Trang chủ / Kinh tế / Thị trường - Tiêu dùng
Hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn thực vệ sinh thực phẩm"
10:30 AM 02/12/2016
(LĐXH)- Sáng 2/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức hội thảo về “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế; Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cùng đại diện các quận, huyện trên địa bàn T.P Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng: Để tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” là nhằm đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ATTP của các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội; vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP. Bên cạnh đó, hội thảo còn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP tại các quận, huyện, xã, phường; những giải pháp để địa phương phát huy được vai trò của mình, cũng như chia sẻ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP...
Thời gian qua, công tác quản lý ATTP ở Hà Nội đã có những chuyển mạnh mẽ, đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ từ cấp xã, phường đến thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Nhờ vậy, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm đã tăng lên rõ nét. Thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, từ đầu năm đến nay đã lập 1.440 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP, trong đó thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra đột xuất những điểm nóng về ATTP. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã kiểm tra trên 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và cơ quan báo chí về ATTP (đã xử lý dứt điểm 38 thông tin báo nêu về mất ATTP); đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm thanh tra ATTP cấp xã, phường, quận, huyện.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu khai mạc
Ông Trần Mạnh Giang, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội cho biết: Hà Nội có số dân khoảng 7,4 triệu người và thường xuyên có hơn 2 triệu người ngoại tỉnh đến công tác, học tập, lao động, thăm quan du lịch... Để đáp ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800 – 1.000 tấn thịt các loại, 2.500 – 3.000 tấn rau quả các loại,  350 - 400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến... Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 40% - 60%, số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác. Nguồn lương thực thực phẩm này là những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và là thế mạnh của các địa phương, được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Về sản xuất nông nghiệp hiện tại, Hà Nội đã có 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành, 5.300ha rau an toàn được quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 1.690ha; 60 chuỗi liên kết ATTP (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt) trong đó có 7 chuỗi rau, thịt của 6 cơ sở kinh doanh tại 11 điểm được xác nhận sản phẩm an toàn. Có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp (3 cơ sở đang hoạt động), 16 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 3 khu giết mổ thủ công và còn khoảng 1.074 điểm, hộ giêt mổ nhỏ lẻ ở hộ dân và trong khu dân cư.
Theo ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin: Hiện nay, số cơ sở thực phẩm nhiều và ngày càng tăng (năm 2011 có 47.840 cơ sở, năm 2016 có 59.109 cơ sở). Toàn thành phố có 425 chợ dân sinh phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 117 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại. Tổng số nhân lực làm công tác quản lý ATTP có 11.946 người nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách (y tế 172, nông nghiệp 78, công thương 4 cán bộ chuyên trách), 11.692 người kiêm nhiệm. Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh như: chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông với các hình thức phù hợp phong phú để truyền tải về thực trạng ATTP và định hướng xã hội chung tay vì ATTP. Bên cạnh đó, Ngành Y tế còn trang bị bộ test xét nghiệm nhanh ATTP cho 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và 584 Trạm Y tế; Ngành Nông nghiệp trang bị xe lưu động xét nghiệm nhanh nông thủy sản; các đội quản lý thị trường được trang bị xét nghiệm nhanh ATTP. Hàng năm, UBND Thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác ATTP, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã cụ thể hóa bằng các kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, xử lý các điểm nóng về ATTP.
Đại diện Thanh tra Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, hiện nay, tác bảo đảm ATTP vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm tới công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn nên việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh và quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau bàn thảo, đóng góp ý kiến, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách quản lý, để tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn, “Chung tay vì an toàn thực phẩm”, vì sức khỏe của người dân Thủ đô; xác định ATTP là công tác của toàn xã hội, các tổ chức, ban, ngành, trong đó chính quyền cần có sự chỉ đạo, phân công, phân cấp rõ ràng... Đồng thời, tiếp tục cam kết phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao kiến thức về ATTP của các thành phần trong xã hội, thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu dùng vì chất lượng ATTP trên địa bàn...

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Vinamilk mở đầu năm 2025 với hàng loạt giải thưởng về thương hiệu, đổi mới sáng tạo
NSX 'Anh trai vượt ngàn chông gai' bị phạt thuế
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, vượt 21.000 đồng/lít
Nghệ An tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Chặn 20 tấn nầm lợn bẩn chuẩn bị 'lên mâm'
Công ty  i-on Life thưởng Tết lớn cho 200 người lao động
Thực phẩm bẩn 'hoành hành' dịp cận Tết Nguyên đán
Tin đồn Chủ tịch HĐQT ACB đánh bạc: Bộ Công an nói gì?
Grab đồng hành giúp người dùng Việt chuẩn bị và trải nghiệm Tết Nguyên đán thuận lợi, an nhàn hơn