Hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi”: Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế để xây dựng trường học hạnh phúc
(LĐXH)- Ngày 20, 21/10/2023, tại Hà Nội, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội tổ chức Hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi” do. Sự kiện thu hút khoảng 500 hiệu trưởng trên cả nước tham dự.
Hội thảo là diễn đàn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế để xây dựng trường học hạnh phúc trong cộng đồng các trường học tại Việt Nam. Từ đó cùng thảo luận, kết nối và xây dựng cộng đồng các trường học mong muốn đưa “hạnh phúc” vào trong nhà trường.
Theo Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập ra hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội: “Khi mới thành lập trường, tôi luôn nghĩ, trường học chân chính là nơi đào tạo ra học trò giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh xuất chúng, những nhân tài”. Tuy nhiên, sau những thực tế tiêu cực phải đối mặt do áp lực đào tạo ra học sinh giỏi, TS. Nguyễn Văn Hoà đã nhận ra, đó là suy nghĩ sai lầm.
Theo Luật Giáo dục năm 2019: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, trí thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”.
Cũng chính vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, nên trong trường học, không chỉ riêng vấn đề học tập mà còn cần phát triển nhiều năng lực của học sinh. Theo các ý kiến tại hội thảo, trường học cần tạo môi trường lý tưởng để phát huy các điểm mạnh của học sinh.
TS. Nguyễn Văn Hoà cũng cho rằng, thầy cô nên làm cho việc học tập không còn là “nỗi khiếp sợ”, không còn là “cực hình”, trái lại, hãy làm cho học sinh thấy vui khi đến trường, lúc đó trẻ sẽ chịu học, thích học, các em sẽ dần tiến bộ.
Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, Nguyên Phó viện trưởng Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chuyên gia tâm lý giáo dục, trường học hạnh phúc là chinh phục được học sinh. Quan điểm của thầy Lê Văn Hảo, không có học sinh hư, trách nhiệm của thầy cô là kết nối ấm áp và chuyển hóa, giúp các em thay đổi dựa trên điểm mạnh và tích cực.
Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục chính là khám phá ra điểm mạnh của học sinh. Từ thực tế tại trường mình, TS. Nguyễn Văn Hoà nhận định: “Tôi nhận thấy 80 đến 90% học sinh của tôi không thích hợp để trở thành học sinh giỏi - theo nghĩa “một bồ kiến thức”, trở thành “trí thức”, trở thành “nhân tài”.
Tôi cho rằng, điều các con cần là học nhiều những giá trị và kỹ năng khác nhau của cuộc đời để sau này trở thành người lao động có học, làm việc chăm chỉ, biết sống và sống như một con người thực sự - một con người bình thường biết trân trọng hạnh phúc dù nhỏ bé mà cuộc đời đã trao cho, bằng chính sức lao động của mình…”.
Cô Phạm Thị Nguyệt (Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đồng Nai) cho biết, đối tượng cô luôn hướng tới để thay đổi là phụ huynh. Trong nhiều năm làm hiệu trưởng, cô luôn cố gắng họp với gần như 1.000 phụ huynh để chia sẻ trực tiếp, thay đổi quan điểm, tư tưởng của họ.
"Phụ huynh là người đồng hành, chia sẻ, hiểu và giúp đỡ thầy cô. Nếu phụ huynh không thay đổi, vẫn đòi hỏi con cái và tạo áp lực cho thầy cô thì sẽ rất khó xây dựng được một trường học hạnh phúc", cô Nguyệt chia sẻ.
Để xây dựng được một môi trường hạnh phúc, nhiều chuyên gia cho rằng, giáo viên không chỉ dạy học mà còn là một nhà tâm lý, là người truyền cảm hứng. Bởi học sinh phổ thông ở mỗi giai đoạn độ tuổi có những đặc điểm tâm lý rất đặc trưng. Thầy cô giáo không hiểu được tâm lý của trẻ thì sẽ không thấu hiểu cảm xúc, từ đó thiếu đi sự đồng cảm, yêu thương, không thể giúp trẻ học và phát triển bản thân.
Điều quan trọng, giáo viên trở thành nhà tâm lý còn là để hiểu chính con người mình - hiểu điểm mạnh – điểm cần phát triển – để sống hài hòa với bản thân – từ đó xây dựng đời sống và công việc hạnh phúc cho mình.
Trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm cũng không phải là một mô hình. Trường học hạnh phúc là cách thức vận hành một trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục “vì sự tiến bộ của con người học sinh”. Nơi đây là một bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người, là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên đều thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng và được hiểu, được có giá trị. Học sinh cảm nhận được hạnh phúc và trở thành động lực nội tại, các em hứng thú học tập, sáng tạo, từ đó mỗi trò đều tiến bộ và nên người./.
Thảo Lan