Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, kể từ khi Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được ILO phát động trên toàn cầu, Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 3 chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2006 – 2010, 2012-2016 và 2017 - 2021. Trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội.
Ông Lưu Quang Tuấn cho rằng, lần hợp tác thứ tư này, sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội, gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội.
Ông Tuấn nhấn mạnh, Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng 2022 - 2026 là khung khổ để ILO và các đối tác ba bên sử dụng để lập kế hoạch hợp tác hàng năm và huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm thỏa đáng và bền vững tại Việt Nam.
Trước mắt là chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. Về lâu dài, giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo chuyển đổi công bằng và bền vững, phù hợp với mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo
Chia sẻ về Chương trình Việc làm thỏa đáng, ông Nguyễn Ngọc Triệu, cán bộ Chương trình cấp cao, Văn phòng ILO Việt Nam cho biết, việc làm hiệu quả cho phụ nữ và nam giới trong điều kiện tự do, công bằng, an toàn và nhân phẩm, trên thực tế vẫn còn những trở ngại về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính bền vững; phát triển nguồn nhân lực; việc làm và việc làm xanh; bảo trợ xã hội và áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế,... Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy vai trò chủ đạo của các đối tác ba bên, để nắm quyền chủ động hơn; tăng cường liên kết Chương trình Việc làm thỏa đáng với các chương trình, kế hoạch quốc gia để đảm bảo tính toàn diện, nhất quán và hiệu quả từ trung ương đến địa phương lồng ghép các hỗ trợ của các dự án vào kế hoạch, nguồn lực chung của sở ngành…
Đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia lao động việc làm khuyến nghị, cần nâng cao nhận thức về Chương trình quốc gia về Việc làm thỏa đáng như một chương trình quốc gia. Đặc biệt, trong chu kỳ 2022 - 2026, cần ưu tiên các lĩnh vực và tập trung hơn nữa vào chính sách việc làm; chính thức hóa và mở rộng hệ sinh thái sản xuất; mở rộng bền vững diện bao phủ bảo hiểm xã hội; tăng cường xây dựng quan hệ lao động ở cấp cơ sở; chú trọng hơn nữa đến an toàn, vệ sinh lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được Tổng giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là: tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn, mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn, tức là người lao động được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn và đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.
Chia sẻ về các nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em (LĐTE) và lao động cưỡng bức tại Việt Nam tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, với nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về trẻ em như: 4 bộ luật (trong đó, có Luật Trẻ em năm 2016, Luật Lao động 2019,..) với gần 20 nghị định, thông tư, chỉ thị, chương trình quốc gia,…quyền trẻ em được bảo vệ không bị bóc lột sức lao động.
Cùng với đó, những năm qua Việt Nam đã nỗ lực phát triển chính sách an sinh xã hội hỗ trợ giảm nghèo, trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; phổ cập giáo dục tiểu học, miễn giảm học phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, vùng tinh tế khó khăn; đào tạo nghề cho trẻ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, còn miễn thuế, hỗ trợ đầu tư, vay vốn ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề trẻ em miền núi, trẻ không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật…
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo
Với nỗ lực đó, tình hình lao động trẻ em tại Việt Nam giảm theo các năm: từ 1.754.000 em (giảm 9,6%, năm 2012) giảm xuống 1.031.944 em (giảm 5,4%, năm 2018). Thấp hơn các nước trong khu vực Châu Á- Thái bình dương. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia ký kết các hiệm định thương mại tự do và hội nhập quốc tế.
Theo bà Cao Thị Thanh Thủy, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa LĐTE,.. nâng cao nhận thức công đồng thông qua các hoạt động truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE,... Cùng với đó, nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạn pháp luật về sử dụng LĐTE khu vực nhà nước, tư nhận, đặc biệt là trong khu vực kinh tế phi chính thức; kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp LĐTE. Bên cạnh đó, hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em theo quy định của pháp luật…
Hội thảo còn nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia về: việc làm thỏa đáng trong khu vực phi chính thức tại Việt Nam; vai trò của các đối tác xã hội và địa phương trong việc đảm bảo và thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho mọi người tại Việt Nam,..
Trương Đăng