An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hội thảo “Những tác động kinh tế của Già hóa”
03:36 PM 06/09/2016
LĐXH – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 6/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – TBXH phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương “Những tác động kinh tế của già hóa”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu; Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Trọng Đàm; đại diện các tổ chức quốc tế và gần 300 đại biểu của 35 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...
 
Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Điều này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Trong vài thập kỉ gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân, tuổi thọ trung bình tăng lên nhanh (năm 2014, tuổi thọ đối với nam là 70,6 tuổi; nữ là 76,0). Số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân, dự báo đến năm 2038, số người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 20% dân số, lúc đó Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “dân số già”. Do vậy, vấn đề già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam không thể không quan tâm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chào mừng các đại biểu.
Sau khi gửi lời chào mừng tới các đại biểu tham dự Hội thảo, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa giao thoa dân số và sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn dân số già. Nếu năm 2010, cứ 11 người Việt Nam có một người cao tuổi thì khoảng 15 năm nữa, 6 người sẽ có 1 người cao tuổi và tiếp tục như vậy, khoảng 50 năm nữa thì trong 4 người sẽ có một người cao tuổi. Theo tính toán, khoảng 20 năm  nữa, số người trẻ tuổi sẽ cân bằng với số người cao tuổi... Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề già hóa dân số, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ phối hợp với các Tổ chức quốc tế tổ chức Chương trình nghị sự ở cấp cao nhất bàn về vấn đề này như quy mô, phân bố, chất lượng dân số…, đặc biệt là vấn đề chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư, củng cố hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.

Đại diện UNFPA, bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong thực tế, người cao tuổi có đóng góp vô cùng quan trọng cho gia đình, cộng đồng và lực lượng lao động. Việc đảm bảo rằng họ có khả năng tiếp tục đóng góp tích cực về xã hội và kinh tế, có cuộc sống ổn định và lành mạnh lúc tuổi già không chỉ là điều cần phải làm mà chính là một quyết sách thong minh cho nền kinh tế và xã hội...
 
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trước bối cảnh già hóa dân số toàn cầu, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới... Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh từ 6,9% năm 1979 lên 7,2% năm 1989 và 9,0% năm 2009 và hiện nay là trên 10%, dự báo 50 năm nữa sẽ có thêm hơn 10 triệu người cao tuổi... Trước những thách thức của xã hội già hóa, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cũng như cùng nhau chia sẻ những vướng mắc để chuẩn bị có chiến lược cho vấn đề này...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:"...một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người
ở mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi”.
“Tôi tin tưởng rằng, những kết quả sau Hội nghị sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có được những thông tin làm cơ sở tham khảo quan trọng cho việc đề xuất, xây dựng và sửa đổi chính sách, tìm ra giải pháp cần thực hiện đề có một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
 
Theo thống kê, trên thế giới, cứ một giây, có hai người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi. Trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi. Hiện nay trên thế giới cứ chín người có một người từ 60 tuổi trở lên và con số này dự tính đến năm 2050 sẽ tăng lên là cứ năm người sẽ có một người từ 60 tuổi trở lên.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì buổi họp báo.

Tiếp sau lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã chủ trì buổi họp báo về những vấn đề trọng tâm của già hóa dân số, những chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đối với việc trợ giúp người cao tuổi ở vùng nông thôn, vùng khó khăn; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân; vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, thu nhập, nước sạch, tiếp cận thông tin...
 
Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 6 – 8/9, trong đó sẽ tập trung thảo luận về tác động của già hóa đối với sức khỏe tương lai của nền kinh tế, phúc lợi của người dân và các tác động về tài chính đối với lực lượng lao động, y tế, thu nhập hộ gia đình và thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp ở tầm khu vực để có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo phúc lợi cho mọi người trong xã hội già hóa.

N.Ngọc
TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10