(LĐXH)- Ngày 19/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo Quan hệ đối tác về lĩnh vực người cao tuổi “Nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau”.
Dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm; bà Phạm Thị Hải Chuyền Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động - TBXH và đại diện Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảoTừ năm 2005, với sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế và sự tài trợ của một số dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi và một số tổ chức khác đã phối hợp với chính quyền một số địa phương xây dựng thí điểm Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau. Mỗi CLB được hỗ trợ ban đầu số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50 - 100 triệu đồng để làm quỹ cho các thành viên vay tăng thu nhập, với lãi suất tối đa là 1%/tháng. Toàn bộ số tiền lãi nộp vào quỹ của CLB để duy trì các hoạt động chung. Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong việc thành lập CLB và duy trì hoạt động hiệu quả, với 434 CLB ở 304 xã, phường, thị trấn, bao gồm 23.464 thành viên, trong đó hơn 71% là người cao tuổi, 64% thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảoKết quả nghiên cứu đánh giá về tác động của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, CLB là mô hình có tác động toàn diện tới người cao tuổi và cộng đồng. Cụ thể là: thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 50% thu nhập sau ba năm, góp phần giảm nghèo cho người cao tuổi và gia đình. Sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc. Ðời sống tinh thần được nâng cao, có cơ hội giao lưu, nâng cao nhận thức. Thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, các thế hệ, giữa người khó khăn và không khó khăn; gắn kết tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy các phong trào tại cộng đồng và thực hiện tốt luật pháp, chính sách về người cao tuổi.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu ý kiếnBên cạnh đó, hoạt động của CLB còn làm thay đổi cách nhìn về người cao tuổi, về sự đóng góp và phát huy nội lực của người cao tuổi; góp phần làm tốt công tác người cao tuổi. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng công nhận CLB liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình có tính nhân văn cao, hỗ trợ toàn diện người cao tuổi và có hiệu quả nhất, tạo điều kiện hỗ trợ người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Ngày 2/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1533/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020. Ðề án đặt chỉ tiêu đến năm 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 3.200 CLB ở ít nhất 45 tỉnh, thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 người cao tuổi tham gia). Đến đầu năm 2017, có 18 tỉnh triển khai được hơn 1.000 CLB, tập trung nhiều ở một số tỉnh được các tổ chức quốc tế tài trợ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Nguyên…
Đại diện Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội thảoPhát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số và chuẩn bị bước sang giai đoạn dân số già. Thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chăm sóc người cao tuổi, đồng thời phát huy những thế mạnh của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp cận các điều kiện thiết yếu: nhà ở, nước sạch, thụ hưởng văn hóa… Đặc biệt, theo Luật Người cao tuổi, đối với người cao tuổi trên 80 tuổi không có nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp hàng tháng, BHYT… Hiệu quả của mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trong thời gian qua là khá rõ nét, tham gia CLB, người cao tuổi được giúp đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần. Trong thời gian tới, các địa phương cần nhân rộng mô hình, tìm nguồn kinh phí để CLB thành lập mới và duy trì hoạt đông hiệu quả. Đồng thời, xây dựng các mô hình để người cao tuổi phát huy hết khả năng của mình...
Chí Tâm