Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP
08:55 AM 20/06/2020
(LĐXH) - Ngày 19/6/2020, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo tham vấn Nghị định thay thế Nghị định số 09⁄2013⁄NĐ-CP ngày 11⁄01⁄2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người (sau đây gọi là Nghị định số 09⁄2013⁄NĐ-CP).
Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Nguyễn Thị Hà cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chủ trì hội thảo
Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Trưởng ban soạn thảo chủ trì. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại biểu các ngành Lao động - TB&XH, Công an, Bộ đội Biên phòng, Phụ nữ, Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án của 10 tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống mua bán người, đồng thời đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận và góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, trong đó tập trung vào những vấn đề như thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về, trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong việc triển khai, thực hiện.
Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật phòng, chống mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Nghị định số 09/2013/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định của Luật về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ với nạn nhân, đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân, trong đó có trách nhiệm của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, đã nảy sinh những vấn đề như nạn nhân bị mua bán trở về thường có tâm lý mặc cảm, hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng nhiều trường hợp nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về hầu hết không giấy tờ tùy thân, nạn nhân không tư trang, hành lý hoặc không khai báo, hợp tác với các lực lượng chức năng... Vì vậy, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác xác minh, xác nhận nạn nhân, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Tại các tuyến biên giới, tuyến biển, nạn nhân được cơ quan nước ngoài trao trả thường không thông báo cụ thể thời gian trao trả nạn nhân nên các cơ quan chức năng (Bộ đội biên phòng, Công an) gặp nhiều khó khăn khi xây dựng kế hoạch phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân hoặc khi các nước trao trả hàng loạt trong khi điều kiện về cơ sở vật chất tại các đồn biên phòng, công an cửa khẩu, cấp huyện, cấp xã còn thiếu, hạn chế không đảm bảo công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; bất cập trong thẩm quyền quyết định hỗ trợ nạn nhân….
Điểm mới của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 09/2013/NĐ-CP
Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định chương riêng về cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà dẫn chiếu việc thành lập, hoạt động theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Quang cảnh hội thảo
Về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định: khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội và một số quy định hỗ trợ đặc thù; các chế độ khác như hỗ trợ về y tế, tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; hỗ trợ chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến tàu xe để hồi hương; chi phí cho cán bộ phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận lấy lời khai hoặc trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; quy định nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu; học văn hóa, học nghề; vay vốn từ Quy quốc gia giải quyết việc làm hoặc từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho nạn nhân.
Về trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định thời gian xác nhận để đảm bảo những người là nạn nhân của mua bán người đều được hỗ trợ; thẩm quyền quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động, thương binh và xã hội cấp tỉnh quyết định; quy định cụ thể dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong công tác chuẩn bị xây dựng pháp luật, giải trình chi tiết các nội dung cần điều chỉnh trong Nghị định 09/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh những góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, kỹ thuật dẫn chiếu Nghị định, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ, cân nhắc việc hướng dẫn gói hỗ trợ trong dự thảo…. Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp về việc hoàn thiện các báo cáo đánh giá, dự thảo Tờ trình.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ đại biểu, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện để Dự thảo đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lê Thị Thanh Huệ
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật