Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hội thảo ‘’Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand’’
03:07 PM 23/09/2016
(LĐXH) Sáng ngày 22/9, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA) đã kết hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo ‘’Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand’’ tại khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Chủ trì Hội thảo gồm có ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Astris Bant,Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc; đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện của các Bộ, ngành, Trung ương, thành viên Ủy ban Quôc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; đại biểu đến từ các Tổ chức Quốc tế và Phi chính phủ tại Việt Nam như Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS), tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO),…….
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã nhận định rằng, qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và Chương trình phòng, chống mại dâm các giai đoạn 2006-2011, 2011-2015, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội của người dân, sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể là, hệ thống pháp luật về mại dâm đã được ban hành có hệ thống và tương đối đồng bộ về quan điểm, chủ trương dưới sự quan tâm, đẩy mạnh điều hành của các ban, ngành, đoàn thể các cấp; nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống mại dâm được nâng lên rõ rệt, giúp việc tham gia, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành với các tổ chức xã hội thuận lợi và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, bước đầu triển khai các can thiệp về giảm tác hại, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hòa nhập cồng đồng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều hạn chế trong quá trình công tác phòng, chống mại dâm, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm bộc lộ nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư còn nghèo nàn, nhận thức của xã hội về mại dâm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và mang tính kì thị, xa lánh. Thứ trưởng hi vọng rằng thông qua những chia sẻ vè kinh nghiệm lập pháp của nhóm chuyên gia tới từ New Zealand sẽ giúp Bộ LĐTBXH tham mưu tốt hơn cho Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã đưa ra 3 nhóm khuôn khổ Luật pháp liên quan đến mại dâm là: Hình sự hóa, Pháp luật hóa và Phi hình sự hóa, trong đó New Zealand đang áp dụng hình thức phi hình sự hóa mại dâm. Đây không có nghĩa là hợp pháp hóa hoạt động này. Việc này sẽ tạo môi trường an toàn hơn về bảo vệ nhân quyền và sức khỏe của những người tham gia hoạt động mua bán mại dâm.
Theo bà Jan Logie, Nghị sỹ thuộc Đảng Xanh của New Zealand, trước năm 2003, mại dâm vẫn bị coi là bất hợp pháp. Các văn bản pháp lý của quốc gia này là Luật về Các cơ sở Mát xa (Massage Parlours Act) 1978, Luật về Tội phạm (Crimes Act) 1961, Luật về Các vi phạm (Offences Act) 1991. Các hành vi liên quan đến mại dâm (bán dâm, chứa mại dâm, môi giới mại dâm, vận chuyển người bán dâm, sống nhờ vào thu nhập của mại dâm…) đều là bất hợp pháp. Bởi vậy nhóm người bán dâm luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị bắt giữ, họ không dám tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế, pháp luật khi gặp những vấn đề về sức khỏe hay bị đối xử tàn bạo, bị đánh đập. Bên cạnh đó, định kiến xã hội cũng khiến họ không dám từ bỏ nghề và tái hòa nhập cộng đồng. Những nỗi sợ hãi này thường lớn hơn nỗi sợ lây nhiễm HIV, do vậy đã hạn chế họ tiếp cận các dịch vụ phòng, tránh HIV. Đây là một phần lý do giải thích tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người hoạt động bán dâm rất cao tại một số nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Năm 2003, đạo Luật Cải cách mại dâm được Quốc hội New Zeland thông qua, trong đó xóa bỏ sự trừng phạt đối với các hành vi liên quan đến mại dâm; thúc đẩy phúc lợi, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn của người bán dâm; xác định vai trò cụ thể cho y tế công và cán bộ y tế; xác định trách nhiệm cho người tổ chức bán dâm, người bán dâm và khách hàng; các khoản tiền phạt và truy tố nếu có vi phạm về sức khỏe và an toàn; cấm mua bán dâm với người dưới 18 tuổi. Việc phi hình sự hóa hoạt động mại dâm giúp cho những người bán dâm tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm HIV, bị bạo lực giới hoặc bị bóc lột và tạo môi trường an toàn hơn cho họ để có thể thay đổi việc làm hòa nhập cộng đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hệ quả của việc phi hình sự hóa mại dâm tại Việt Nam, bởi cơ cấu xã hội và thể chế đều khác biệt với New Zealand. Đặc biệt, có những đại biểu tỏ ý quan ngại về việc các hoạt động mại dâm có nguy cơ gia tăng đột biến sau khi phi hình sự hóa mại dâm. Bà Jan cũng cho biết tại New Zealand, hoạt động mại dâm sau khi được phi hình sự hóa không gia tăng thêm, đồng thời các ca nhiễm HIV liên quan đến mại dâm cũng  giảm đến 43%.
Từ những thông tin được chia sẻ của Đoàn công tác, các đại biểu đã thảo luận về quan điểm, giải pháp, biện pháp và các chính sách cần có để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là định hướng trong xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm, các đại biểu nhấn mạnh cần có những thay đổi về cách nhìn nhận, cách đánh giá và quan điểm đối với hoạt động mại dâm hiện nay.
Minh Ngọc
TAG:
Tin khác
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)