An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm đối với người khuyết tật Việt Nam - Hàn Quốc
04:03 PM 16/12/2016
(LĐXH) - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) phối hợp với một số đơn vị của Hàn Quốc tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm đối với người khuyết tật (NKT) giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Mục tiêu của Hội thảo là cùng nhau thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của các bên trong hoạt động giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật; từ đó đưa ra những khuyến nghị về cơ chế, chính sách việc làm đối với NKT và tìm hiểu nội dung hợp tác với Hàn Quốc trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phục hồi chức năng cho NKT Hàn Quốc (KSRPD); ông Jang Jae Yoon, Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam; đại diện một số đơn vị của Bộ LĐTBXH, đại diện một số tổ chức quốc tế có hoạt động hỗ trợ NKT, hiệp hội của NKT...
Việt Nam: Cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề việc làm cho NKT

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, cộng đồng NKT chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm tạo công ăn việc làm cho NKT. Điều này đã được quy định ngay trong Pháp lệnh Người tàn tật năm 1994, năm 2010, Việt Nam đã ban hành Luật NKT, trong đó đề cập đến nhiều nội dung như: các cơ chế chính sách đối với NKT, hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận học nghề, tìm việc làm, học văn hóa, phục hồi chức năng, quy định chế độ trợ cấp cho những NKT sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách liên quan đến NKT còn được quy định cụ thể trong một số văn bản luật liên quan như: Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Bộ luật Lao động và một loạt chương trình, đề án có liên quan đến trợ giúp NKT như Đề án 1019, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cùng với đó, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí cho một số tổ chức hội có thực hiện hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Hiện Việt Nam cũng có hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho NKT; trợ cấp hàng tháng cho hàng triệu NKT và cấp thẻ BHYT theo quy định. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã có một loạt cơ chế hỗ trợ NKT tìm việc làm như: Miễn giảm thuế, tiền thuê đất cho những doanh nghiệp nhận nhiều NKT vào làm việc...
Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, bên cạnh kết quả đạt được, cơ chế chính sách hỗ trợ NKT còn một số bất cập như: NKT còn khó khăn về trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp; thu nhập của NKT so với người bình thường còn thấp; vẫn còn một nhóm NKT không được đến trường, lớp học nghề, không tiếp cận được cơ hội việc làm; thiếu tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện sớm, can thiệp sớm; NKT chưa được xem là ca của các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH.
Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc đã được Quốc hội phê chuẩn, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách đảm bảo mục tiêu tạo nhiều cơ hội cho NKT tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động, tạo sự công bằng trong xã hội. Cụ thể: Việt Nam cần phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ việc làm (giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, học nghề, giáo dục hòa nhập cho NKT); tăng định mức hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề cho NKT để thu hút NKT vào học nghề; đối với nhóm NKT không tiếp cận được với trường lớp cần có chương trình đào tạo phù hợp,  mô hình sinh kế phù hợp tại gia đình, cộng đồng; tạo cơ cơ chế chính sách thông thoáng về vốn để NKT và gia đình có thể dễ dàng tiếp cận phát triển kinh tế; các cơ sở y tế liên quan đến chỉnh hình, phục hồi chức năng cần trang bị kỹ thuật, đội ngũ nhân lực thực hiện tốt hoạt động phục hồi chức năng cho NKT...
Hàn Quốc: Phạt 60% mức lương tối thiểu trên tổng số lao động khuyết tật chưa nhận đủ vào làm việc
Ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phục hồi chức năng cho NKT Hàn Quốc chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách tạo việc làm cho NKT
Chia sẻ về chính sách tạo việc làm đối với NKT tại Hàn Quốc, ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch KSRPD cho biết, ở Hàn Quốc, quan điểm nhận thức về NKT còn nặng nề hơn ở Việt Nam, người dân rất khó chấp nhận gia đình có NKT. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lao động cơ bản của NKT, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều văn bản chính sách quy định về nghĩa vụ tuyển dụng lao động khuyết tật, chính sách cấm phân biệt trong tuyển dụng và chính sách bảo hộ lao động.
Cụ thể, về nghĩa vụ tuyển dụng lao động khuyết tật: Năm 1991, Hàn Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy việc làm và phục hồi chức năng lao động cho NKT. Trong đó quy định các cơ quan Nhà nước và tổ chức công phải tuyển dụng ít nhất 3% số NKT trên tổng số lao động vào làm việc. Thống kê năm 2015, trung bình các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước Hàn Quốc đang tuyển dụng 3,1% số NKT vào làm việc. Đối với các công ty tư nhân có trên 50 lao động bắt buộc phải tuyển dụng 2,7% số NKT vào làm việc, đến năm 2019 sẽ là 3,1% số NKT. Thống kê năm 2015, các doanh nghiệp khu vực này đã tuyển dụng 2,53% số NKT.

Để thực hiện được hoạt động này, Hàn Quốc đã đề ra nhiều biện pháp mang tính thực tế như: thành lập Tổng cục Tuyển dụng người tàn tật và 18 chi nhánh khác ở các địa phương có chức năng, nhiệm vụ như tư vấn nghề nghiệp, đào tạo thích nghi với nghề nghiệp, đào tạo phát triển năng lực nghề nghiệp, phát triển và bố trí chức vụ, tuyển dụng hỗ trợ, tuyển dụng bảo hộ, hướng dẫn người tàn tật kinh doanh... Ngoài ra, đối với những cơ quan, đơn vị không tuyển đủ số lượng NKT vào làm việc sẽ bị phạt với mức phạt tương đương 60% mức lương của một người nhân với số lượng NKT tuyển thiếu. Và các đơn vị này sẽ phải nộp phạt hàng tháng cho tới khi tuyển dụng đủ NKT theo quy định và sẽ bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với biện pháp này, tính đến ngày 31/12/2015, tại Hàn Quốc đã có gần 200.000 NKT có việc làm, trong đó có 30.000 NKT làm việc trong các cơ quan Nhà nước, số còn lại làm việc ở khu vực tư nhân.
Ông Ryu Hang Ha, Giám đốc KORCHAM
Cũng theo một số chuyên gia Hàn Quốc, NKT có quyền lao động như nhau, là một người lao động trong độ tuổi lao động họ có quyền có việc làm. Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm tạo cho người đó thực hiện quyền của mình. Hàn Quốc có chính sách cơ bản là không phân biệt giữa NKT và người không khuyết tật. Luật Lao động được ban hành năm 1993 quy định đảm bảo cho mọi người được lao động trong một khoảng thời gian cố định với mức 52 tiếng/tuần, đảm bảo điều kiện sức khỏe, với mức lương phù hợp.
Những kinh nghiệm của Hàn Quốc là bài học quý giá đối với Việt Nam
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh, đứng trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Lao động - TBXH học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá của Hàn Quốc trong việc triển khai thực hiện chính sách học nghề, giải quyết việc làm cho NKT. Hàn Quốc đã quy định cơ chế toàn diện từ quy định đến chế tài xử phạt các doanh nghiệp không tuyển dụng đủ lao động khuyết tật. Còn ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu chế tài xử phạt, việc triển khai thực hiện chính sách còn nhiều bất cập. Trên cơ sở những kinh nghiệm của nước bạn, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách pháp luật việc làm của Hàn Quốc để rà soát, khuyến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng mong muốn tổ chức KOICA Hàn Quốc có giải pháp thúc đẩy dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn, sớm có thỏa thuận giữa hai nước, đưa dự án đi vào thực tiễn.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Chen chúc 'săn sale' quần áo Tết tới tận nửa đêm
Bến xe Mỹ Đình chật kín, hành khách phải đợi gần nửa ngày mới được về quê
CSGT Hà Nội bác thông tin giữ xe của người chở bệnh nhân đi cấp cứu
Prudential lan tỏa Tết Nhân Ái, tổng kết một năm nỗ lực triển khai các hoạt động vì cộng đồng
Xác minh vụ xe con tạt đầu, chèn ép xe khách trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường