Hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022
(LĐXH) – Sáng ngày 09/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.
Tham dự Hội nghị có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH); Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cùng đại diện các cơ quan thành viên Mạng, các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong cả nước.
Mục đích của Hội nghị nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động về ATVSLĐ, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thành viên vì mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Thời gian qua, hoạt động của Mạng thông tin Quốc gia đã mở rộng kết nối, chia sẻ, phối hợp thường xuyên trong nhiều hoạt động, như: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; Tổ chức đối thoại định kỳ hội đồng quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ; Cung cấp thông tin, phát hành các báo, tạp chí, bản tin ATVSLĐ; Xây dựng, chia sẻ, góp ý, đề xuất các giải pháp về ATVSLĐ tại các hội nghị, hội thảo khoa học, chuyên đề…
Các cơ quan thành viên mạng cũng quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Bộ LĐTBXH trong công tác ATVSLĐ, thích ứng với bối cảnh phòng chống dịch bệnh như Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó quy định chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đã có nhiều phong trào, chương trình thu hút được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động như phong trào Xanh – Sạch – Đẹp do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động; Hội thi toàn quốc cho người làm công tác ATVSLĐ lần thứ nhất, thứ 2 được tổ chức tại Quảng Ninh và Vũng Tàu và Hội thi toàn quốc cho người làm công tác huấn luyện AT … do Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan thành viên mạng tổ chức đã thu hút sự quan tâm và lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi pháp lý, diễn đàn trao đổi, chia sẻ hiệu quả, thiết thực tới các doanh nghiệp, cán bộ, an toàn viên, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác huấn luyện trong công tác ATVSLĐ.
Để tiếp tục phát huy vai trò kết nối, chia sẻ thông tin của Mạng thông tin quốc gia, ông Hà Tất Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Đẩy mạnh, mở rộng các hình thức kết nối, chia sẻ thông tin; Tăng cường chia sẻ, kết nối, đối thoại định kỳ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy thực thi Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống; Tuyên truyền, kết nối, chia sẻ các kết quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025; Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện ATVSLĐ; chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng tài liệu sẵn có của các tổ chức, các nước phát triển như ASEAN- OSH NET, ILO, WHO, KOSHA…; Tuyên truyền về chủ đề và tổ chức triển khai hiệu quả Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023…
Chia sẻ về công tác ATVSLĐ, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết: Vấn để đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động là vô cùng quan trọng và được cả thế giới cùng quan tâm. Bởi khi xảy ra tai nạn lao động không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người lao động mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, tại các hội nghị quốc tế luôn coi vấn đề ATVSLĐ là quyền cơ bản, bắt buộc thực hiện từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ, từ khu vực tư nhân đến khu vực chính thức. Bởi vậy, 02 Công ước về ATVSLĐ đã ra đời là Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc (năm 1981) và Công ước số 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (năm 2006). Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á thông qua Công ước số 187, cho thấy Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam chia sẻ về công tác ATVSLĐ
Thông tin về công tác ATVSLĐ, đại diện Cục An toàn lao động cho biết: Ngày 16/02/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ban hành chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 với giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu trung bình giảm 4% tai nạn lao động chết người/năm; tăng 5% số người được khám chữa bệnh/năm; 80 % người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp, bồi thường theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ LĐTBXH cũng đã ban hành hoặc trình ban hành một số văn bản mới, như: Vấn đề lao động nữ; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ cho biết: Giai đoạn 2017-2022, Viện Khoa học ATVSLĐ đã xây dựng và đang triển khai thực hiện được 63 đề tài các cấp, trong đó: 01 đề tài độc lập cấp Quốc gia, 09 đề tài thuộc chương trình phối hợp, 11 đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp TLĐ và 42 đề tài cấp Bộ. Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho kết quả có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tìm cách áp dụng. Các sản phẩm của những công trình nghiên cứu giai đoạn 2017-2022 đáp ứng được nhu cầu đảm bảo ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, áp dụng hiệu quả và hoàn toàn là nội lực khoa học công nghệ. Kết quả hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ về ATVSLĐ và bảo vệ môi trường của Viện được đánh giá cao.
Còn theo đại diện Bộ Xây dựng: Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động trong thi công xây dựng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành Xây dựng đang hướng tới một số nội dung: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn trong xây dựng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn trong xây dựng, xử lý nghiêm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng có hành vi vi phạm về an toàn trong xây dựng; Nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng còn thiếu; rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn cần thiết về an toàn trong xây dựng theo hướng hội nhập quốc tế và phù hợp với định hướng của Đề án 198 “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”; Nghiên cứu, xây dựng quy định, hướng dẫn áp dụng QCVN 18:2021/BXD đối với một số công việc có nguy cơ mất an toàn cao: làm việc trên cao, làm việc trong không gian hạn chế; lắp dựng giàn giáo, ván khuôn…
Tại Hội nghị, các thành viên Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong hoạt động của Mạng thời gian qua và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra biện pháp giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Mạng, góp phần vào việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ sức khỏe người lao động./.
Minh Hiền
TAG: