Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp
09:51 AM 22/10/2019
(LĐXH)-Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về các quy định của Nhà nước về vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi: Em hiện là sinh viên đang theo học ngành Công đoàn. Theo em được biết thì tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp hiện nay vẫn còn chưa đủ “sức mạnh” trong giải quyết tranh chấp lao động. Vì vậy, em muốn biết rõ về vai trò của công đoàn trong các cuộc đình công như thế nào?
(Nguyễn Thị Thu Huệ - Thường Tín, Hà Nội)
Trả lời:
Theo Chương 14, Bộ Luật Lao động hiện hành thì tất cả các công đoạn để tổ chức một cuộc đình công đều do tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thực hiện.
Một cuộc đình công được coi là hợp pháp khi diễn ra theo đúng trình tự: Gửi đơn kiến nghị lên chủ doanh nghiệp; khi không thoả thuận được thì báo cáo lên trọng tài lao động; sau khi trọng tài lao động hoà giải không được thì lúc ấy phải lấy ý kiến tập thể công nhân để tổ chức đình công… Tất cả các công đoạn này đều do tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thực hiện.
Thế nhưng, hơn 1.000 cuộc đình công diễn ra suốt 10 năm qua, đặc biệt, những cuộc đình công tự phát gần đây đều không thực hiện đúng theo quy trình này và hầu hết không có sự tham gia của tổ chức công đoàn. Điều này không chỉ cho thấy một số điểm trong Luật của chúng ta chưa sát với thực tế, mà còn phản ánh một thực tế khác: vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngày càng mờ nhạt.
Theo chúng tôi, cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp chưa đi sâu đi sát, chưa nắm được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của người lao động nên không kịp phản ứng khi bức xúc lên đến cao trào. Qua đây, chúng tôi cũng thấy, tổ chức công đoàn cần có một mạng lưới “chân rết” để kịp thời nắm bắt những bức xúc của người lao động. Khi bức xúc của người lao động là chính đáng thì phải thương lượng ngay với giới chủ để giải quyết vấn đề đó, nếu chủ doanh nghiệp không giải quyết thoả đáng thì phải kịp thời báo cáo lên công đoàn cấp trên".
Hầu hết các xí nghiệp đều có công đoàn, song các tổ chức này không hoạt động trên thực tế và một số chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Một cuộc điều tra do Viện Khoa học xã hội thực hiện tại 24 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 16% người lao động cảm thấy công đoàn có vai trò trong giải quyết tranh chấp. Trong lúc lãnh đạo doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời tâm tư người lao động thì tổ chức công đoàn cơ sở lại chưa đủ sức với vai trò là người đại diện duy nhất cho quyền lợi công nhân ở doanh nghiệp để cùng thảo luận, bàn bạc với chủ doanh nghiệp về những kiến nghị của công nhân, thậm chí có những phát ngôn không đúng…
Không chỉ có bộ máy công đoàn trong các doanh nghiệp còn yếu, mà ngay cả đội ngũ cán bộ ở nhiều liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố cũng thể hiện sự thiếu am hiểu về pháp luật, do vậy không thể tư vấn đầy đủ cho các cấp công đoàn cơ sở cũng như người lao động về chế độ, chính sách, trình tự luật pháp mà các cuộc đình công cần tuân thủ.
Do đó, khi có đình công xảy ra là không biết đúng sai như thế nào, cả công đoàn, cả Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng ngay những đòi hỏi của công nhân. Lúc đầu vì muốn giải quyết cho nhanh nên các doanh nghiệp đều đáp ứng, nhưng về sau công nhân thấy đình công là đòi được nên họ cứ tiếp tục đình công, tạo một sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, các cuộc đình công gần đây cho thấy phần nhiều người lao động không am hiểu pháp luật.
Bên cạnh đó, vấn đề hành lang pháp lý cho các cuộc đình công cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Những cơ quan được đưa ra trong quá trình giải quyết tranh chấp như Hội đồng hoà giải, Hội đồng trọng tài là không chuyên nghiệp, không hiệu quả và không khách quan. Thời gian hoà giải như trong luật hiện hành quy định là quá dài và không thực tế. Mặt khác, ở nước ta đang hình thành hai luồng định kiến: Một là, công nhân đình công là đúng, vì đời sống và thu nhập quá thấp; hai là, đình công sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư của nước ta.
Theo đánh giá, trong nền kinh tế thị trường thì vấn đề đình công trở thành một vấn đề hết sức bình thường. Điều quan trọng là làm thế nào để cả người lao động lẫn giới chủ cùng am hiểu và tuân thủ luật pháp Việt Nam, giải quyết mâu thuẫn lao động qua con đường thương lượng. Có như vậy thì mới đảm bảo được phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo lợi nhuận của chủ doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động.
Để góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động và hạn chế được các cuộc đình công, theo chúng tôi:
- Trên thực tế, khi tổ chức công đoàn công khai bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thường gặp phải sự ngăn cản của chủ doanh nghiệp, vì công đoàn cũng trực tiếp hưởng quyền lợi từ ông chủ. Do đó luật phải tăng sức mạnh cho công đoàn trong doanh nghiệp, để họ có đủ điều kiện bảo vệ người lao động.
- Tăng cường vai trò của công đoàn trong “lãnh đạo đình công”, công đoàn giữ vai trò hòa giải, hướng dẫn, chỉ đạo đình công đúng luật, vừa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động nhưng cũng không gây phát sinh đối kháng giữa tổ chức công đoàn và chủ sử dụng lao động.
- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp trên. Trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp ký kết kế hoạch liên tịch, định kỳ thông tin, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là trong các vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động, ổn định tình hình an ninh trật tự.
- Tăng cường vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là những quyền lợi cơ bản như: tiền lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quyền lợi thai sản của lao động nữ; kịp thời đưa ra ý kiến, đàm phán với chủ doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của người lao động./.
TAG:
Tin khác
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024