Hỏi - Đáp về quản lý và sử dụng lao động người nước ngoài
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong vấn đề này.
Hỏi: Tôi hiện nay làm quản lý doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Xin cho biết trách nhiệm giải trình của tôi như thế nào? Trong trường hợp nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài thì trách nhiệm của nhà thầu như thế nào?
Trần Tuấn Hải (TP Thanh Hóa)
Trả lời:
Báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
a) Người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b) Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 8 Điều 172 Bộ luật lao động và điểm e, điểm h, điểm i Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.
Sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu
a) Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
c) Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam; hằng quý, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động nước ngoài của các nhà thầu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hỏi: Xin cho biết định hướng tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2018 về quản lý lao động nói chung và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam nói riêng?
Đinh Thị Thanh Hiền (quận Hải Châu – TP Đà Nẵng)
Trả lời: Định hướng của Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới nhằm giải quyết những vướng mắc và bất cập, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp; giảm bớt thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các điều để phù hợp hơn với các công ước quốc tế và các hiệp định và Việt Nam là thành viên như CPTPP.
Đối với nội dung về tuyển và quản lý lao động dự thảo Bộ luật Lao động tập trung vào các nội dung sau:
- Đối với quản lý lao động: Bổ sung quy định về người sử dụng lao động phải trả mọi chi phí về tuyển dụng lao động; người sử dụng lao động phải lập, cập nhật sổ quản lý lao động (có thể bằng giấy hoặt bản điện tử) và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; giao Chính phủ quy định về khai trình điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý lao động;
- Đối với nội dung quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Quy định điều kiện lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, sức khỏe, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước ngoài… Quy định nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định rõ đối với người lao động nước ngoài không được ký hợp đồng thử việc. Bổ sung một số trường hợp vào Việt Nam làm việc không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Quy định cụ thể mức góp vốn đối thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Quy định về thời hạn của giấy phép lao động là không quá 02 năm và chỉ được gia hạn 1 lần và thời hạn không quá 02 năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định./.
TAG: