Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
01:48 PM 12/11/2019
(LĐXH) - Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của các quy định của pháp luật về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong áp dụng xử lý kỷ luật khi người lao động vi phạm các qui định của pháp luật và nội quy của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hỏi: Tôi làm bảo vệ cho một công ty dịch vụ bảo vệ, có ký hợp đồng lao động. Tôi đã tự ý bỏ việc quá 5 ngày trong tháng nên đến ngày nhận lương công ty không giải quyết lương cho tôi. Vậy, tôi cần làm gì để nhận lương 17 ngày công mà công ty của tôi đang giữ ?
 Phan Vũ Anh (Ba Đình - Hà Nội)  
Trả lời: Theo thông tin ông Phan Vũ Anh cung cấp, ông tự ý bỏ việc quá 5 ngày trong tháng, tuy nhiên không nêu rõ công ty có quyết định sa thải với ông hay không. Nếu có quyết định sa thải thì áp dụng theo Khoản 3, Điều 126 Bộ luật Lao động 2012: “Hình thức kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:…
3. Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: Thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.
Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định, trong trường hợp người lao động bị sa thải, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”.
Ông có thể làm đơn khiếu nại lần đầu gửi đến công ty để yêu cầu thực hiện thanh toán lương những ngày đã làm việc trước khi bị sa thải.
Trường hợp công ty không giải quyết đơn khiếu nại theo luật định, ông có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xử lý theo quy định hiện hành.
Hỏi: Tạm đình chỉ công việc có phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động không? Người lao động có thể vừa bị tạm đình chỉ công việc vừa bị xử lý kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng không?
Lê Thanh Hải (Sóc Sơn - Hà Nội)
Trả lời
1. Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2012 thì các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
a. Khiển trách;
b. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức;
c. Sa thải.
2. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Căn cứ quy định nêu trên thì tạm đình chỉ công việc của người lao động không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động mà chỉ là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa người lao động gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm của họ. Trường hợp người lao động có hành vi vi phạm đã được quy định trong nội quy lao động và người sử dụng lao động chứng minh được lỗi của người lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo hành vi, mức độ vi phạm của người lao động quy định trong nội quy lao động.
 
Hỏi: Tôi được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm tại tháng 12 năm 2015,  ngày 17/09/2016 tôi bị Công ty sa thải không rõ lý do. Hiện tại tôi vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm và được công ty trả lời thắc về lý do sa thải dù đã gọi điện đến công ty nhiều lần. Trường hợp trên tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? Và tôi có được nhận đền bù gì từ phía công ty hay không?
Nguyễn Thị Tuyết (Mê Linh - Hà Nội)
Trả lời:
Theo qui định, khi xử lý kỷ luật người lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động đó, có sự tham gia của đại diện tập thể lao động, người lao động phải có mặt để tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người khác bào chữa, việc xử lý kỷ luật phải được lập thành biên bản. Bạn có thể yêu cầu Công ty trả lời về căn cứ xử lý kỷ luật mình, và dựa vào Điều 126 về áp dụng hình thức sa thải để biết Công ty làm vậy có đúng hay không. Nếu thấy Công ty làm không đúng qui định pháp luật bạn có thể khởi kiện ra Tòa để đảm bảo quyền lợi của mình. Trường hợp Công ty sa thải đúng pháp luật thì bạn sẽ không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào. 
Luật lao động và Luật BHXH cũng qui định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải xác nhận và trả sổ BHXH và các giấy tờ khác cho người lao động trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày. Nếu Công ty cố tình không bàn giao lại bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án./.
TAG:
Tin khác
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024
Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo hơn 18 tỉ đồng
Cảnh báo về việc mạo danh Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành Bảo hiểm để lừa đảo
10 tháng năm 2023: Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 2,7 tấn ma túy các loại
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp bắt giữ hơn 29,8 nghìn viên ma túy tổng hợp
Ngành Hải quan xem xét xử lý trách nhiệm công chức trong vụ buôn lậu sợi Polyester
Tổng cục Hải quan hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
 5 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
VLUTE ký kết mô hình 'Cổng trường an toàn giao thông”