Hỏi - Đáp về hoạt động dịch vụ việc làm
(LĐXH) - Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về các qui định của Nhà nước và hoạt động dịch vụ việc làm, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi: Xin cho biết các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm? Và Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ việc làm?
Nguyễn Thanh Hương (Hà Nội)
Trả lời: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm được quy định tại Điều 8, Điều 10 của Nghị định số 52/NĐ-CP ban hành ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên.
- Tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính (sau đây viết tắt là ngân hàng).
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và quy định của pháp luật.
Ngân hàng có trách nhiệm xác nhận tiền ký quỹ kinh doanh hoạt động dịch vụ việc làm cho doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng.
- Sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:
+ Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp không được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép;
+ Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp nộp lại, bị thu hồi giấy phép.
- Tiền ký quỹ được rút trong trường hợp nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm xác nhận về việc giải quyết rủi ro hoặc các khoản đền bù xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp.
Ngân hàng không được cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ việc làm được quy định tại Điều 11 Nghị định số 52/NĐ-CP ban hành ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;
- Bản sao Giấy xác nhận đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 52/NĐ-CP;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về địa điểm theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 52/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ 01 (bộ) hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do./.
TAG: