Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về chính sách về việc làm
02:49 PM 27/08/2021
LĐXH - Để giúp quý độc giả hiểu thêm về việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, xây dựng quan hệ lao động… Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp cùng Sở Lao động – TBXH Hà Nội thông tin, giải đáp cụ thể những thắc mắc xung quanh nội dung này.

Hỏi: Công ty nơi tôi làm việc không có hợp đồng lao động với công nhân, xin hỏi các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này như thế nào?

Trần Bình Ngọc (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi thuộc nội dung hợp đồng lao động và nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại Bộ luật lao động 2019.

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động:

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Như vậy, nếu công ty và người lao động không giao kết hợp đồng lao động thì hai bên sẽ không bị ràng buộc cũng như không có bất kỳ quyền và nghĩa vụ gì với nhau. Người lao động không cần tuân thủ nội quy của công ty mà công ty cũng không có nghĩa vụ chi trả bất kỳ khoản thù lao nào cho người lao động.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động năm 2019, khi làm việc cho công ty, công ty phải có nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Cụ thể, Điều 18 quy định nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động: Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Mặt khác, trừ trường hợp là công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng thì giao kết hợp đồng lao động phải bằng văn bản theo quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động 2019.

Như vậy, công ty của bạn phải có nghĩa vụ giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn nhưng công ty đã không làm nên công ty đã vi phạm quy định pháp luật về lao động. Khi vi phạm về việc giao kết hợp đồng như trên, đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hỏi: Xin tư vấn rõ cơ chế giải quyết đối với loại tranh chấp lao động tập thể về lợi ích?

Nguyễn Ngọc Ngà (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây,Hà Nội)

Trả lời:

Bộ luật Lao động năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 định nghĩa: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể, gồm các bước:

Bước 1: Thương lượng

Bước 2: Yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải

Khi thương lượng không đạt kết quả, các bên có thể yêu cầu hòa giải viên lao động thuộc Phòng lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hòa giải.

Thời hiệu yêu cầu hòa giải: Các bên có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. hết thời hạn trên, các bên sẽ mất quyền yêu cầu hòa giải tranh chấp.

Trình tự, thủ tục hòa giải: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

– Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành có ghi rõ loại tranh chấp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

– Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét: Nếu chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành; Nếu hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Trong  trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết.

Bước 3: Yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết

Trong thời hạn 7 ngày làm viêc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Trong trường hợp hai bên không tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng Trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận, được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Biên bản có chữ ký của các bên có mặt, chủ tịch và thư ký Hội đồng trọng tài lao động.

Sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Trong trường hợp, Hội đồng Trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 3 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội

TAG:
Tin khác
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024