Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
02:14 PM 16/11/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện về bảo hiểm xã hội, tiền lương cụ thể như sau:
Hỏi: Công ty tôi đang gặp khó khăn về sản xuất do thay đổi cơ cấu nên đã phải tạm dừng hoạt động 02 tháng. Hiện nay, giám đốc công ty tôi muốn tạm dừng đóng bảo hiểm vào các quỹ dài hạn là hưu trí, tử tuất có được không? Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất gồm những gì? Nếu được tôi cần làm thủ tục gì?
Nguyễn Hòa Bình (Đan Phượng – Hà Nội)
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người sử dụng lao động muốn tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất phải thuộc một trong các trường hợp và đáp ứng điều kiện sau: 
- Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:
+ Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
+ Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
- Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:
+ Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
+ Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Thủ tục tạm dừng bao gồm văn bản đề nghị và các giấy tờ chứng minh doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp nêu trên (nếu có) gửi cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
 
Hỏi: Hiện nay, những người nào có thể tham gia BHXH tự nguyện? Người tham gia phải đóng với mức đóng như thế nào và có thể đóng gộp 1 lần cho nhiều tháng không? Đóng đến khi nào thì mới được hưởng chế độ hưu?
Trịnh Đình An (Phường Mai Động, quận Hoàng Mai – Hà Nội)
Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1.1.2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1.1.2018 trở đi;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
c) Người lao động giúp việc gia đình;
d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong HTX, liên hiệp HTX;
e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
g) Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;
h) Người tham gia khác.
Về mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Điều 87 Luật BHXH 2014 quy định:
1. Người lao động hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) 3 tháng một lần;
c) 6 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại điều này.
Theo quy định hiện hành (Điều 73 Luật BHXH), người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội
TAG:
Tin khác
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024
Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo hơn 18 tỉ đồng
Cảnh báo về việc mạo danh Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành Bảo hiểm để lừa đảo
10 tháng năm 2023: Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 2,7 tấn ma túy các loại
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp bắt giữ hơn 29,8 nghìn viên ma túy tổng hợp
Ngành Hải quan xem xét xử lý trách nhiệm công chức trong vụ buôn lậu sợi Polyester
Tổng cục Hải quan hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
 5 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan