Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
10:29 AM 23/11/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện về bảo hiểm xã hội, tiền lương cụ thể như sau:

Hỏi: Bạn của bà Hoàng Vân Hiền làm việc tại một công ty. Nhưng công ty nợ tiền BHXH khoảng 1 năm nay nên thẻ BHYT không sử dụng được. Bà Hiền hỏi, bạn của bà muốn tham gia BHYT tự nguyện thì có được không?
Hoàng Vân Hiền (Gia Lâm, Hà Nội)
Trả lời: Tại Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng và phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Do đó, việc công ty không tuân thủ pháp luật chậm đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động là thuộc trách nhiệm của công ty. Trong trường hợp này công ty phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Bạn của bà không thể tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình (đối tượng tự đóng) do bạn của bà còn ràng buộc hợp đồng với công ty nên bạn của bà thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm người lao động và sử dụng lao động đóng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.
Hỏi: Công ty tôi làm việc giờ hành chính theo đăng ký tại nội quy lao động là từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc công nhân viên công ty phải làm bảo trì máy phát điện vào ban đêm theo yêu cầu của khách hàng từ 5 giờ chiều tới 6 giờ sáng ngày hôm sau có thể ngày thường hoặc ngày nghỉ, lễ. Vì vậy, Công ty hỏi cách tính lương phù hợp với pháp luật lao động hiện nay.

Nguyễn Hữu Khánh (Đông Anh, Hà Nội)


Trả lời: Việc trả lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động và các Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 6 năm 2015 và số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, đề nghị công ty căn cứ vào các quy định trên để thực hiện; trường hợp chưa rõ thì liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố để được giải đáp.
Hỏi: Tôi là Phạm Thị Ngọc Ánh có thời gian công tác là 32 năm (1952-1984). Trong năm 1984, tôi bị buộc thôi việc và đến năm 2001, tôi được cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh) thay đổi kỷ luật từ buộc thôi việc thành nghỉ thôi việc từ ngày 1-7-1984. Vậy tôi xin hỏi thời gian công tác trước ngày 1-7-1984 của tôi có được hưởng chế độ BHXH (hưu trí) hay không?
 Phạm Thị Ngọc Ánh (Đan Phượng, Hà Nội)
Trả lời: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì: Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.
Theo đó, bà Trâm có thời gian công tác từ năm 1952 đến năm 1984, nên việc tính thời gian công tác để tính hưởng chế độ BHXH đối với thời gian công tác của bà được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/TT-NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước; Theo đó, tại khoản 4 Điều 14 Thông tư số 13/TT-NV quy định: thời gian công nhân, viên chức bị kỷ luật buộc thôi việc và sau lại được trở lại làm việc thì đều không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó chỉ được tính vào thời gian công tác nói chung.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động bị kỷ luật buộc thôi việc, sau đó được cơ quan có thẩm quyền hạ mức kỷ luật thì đề nghị người lao động liên hệ với cơ quan quản lý trước khi nghỉ việc để được xem xét, giải quyết việc tính thời gian công tác làm căn cứ để tính hưởng chế độ BHXH theo thẩm quyền./.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
TAG:
Tin khác
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
Từ 2025, thông báo phạt nguội sẽ được gửi qua ứng dụng VneTraffic
 Vụ TikToker Mr Pips lừa đảo: Thu giữ thêm xe sang, biệt thự
Công an Hà Nội điều tra vụ ‘lừa đảo kinh doanh tiền lượng tử’
Kiểm tra, bắt giữ các tàu chở 140 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn