Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
10:12 AM 27/11/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Câu 1: Bà Trương Quỳnh Anh (Vĩnh Phúc): Tôi mới nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc, do có người quen giới thiệu nên giờ tôi đã tìm được việc làm mới. Xin hỏi, tôi có thể rút hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp về không? Nếu tôi rút hồ sơ về thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có bị mất không?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu bà Quỳnh Anh không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có thể nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà sẽ được cộng dồn theo các quy định nêu trên.
Câu 2: Ông Nguyễn Hải Đăng ở huyện Ba Vì, Hà Nội: tôi làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân được 12 năm, nay tôi muốn nghỉ việc do sức khỏe yếu. Tôi không biết doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tôi không. Xin hỏi tôi có thể yêu cầu đơn vị nào cung cấp thông tin về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp? Tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu.
- Theo quy định tại Khoản 13 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp khi ngư­ời lao động yêu cầu.
Như vậy, ông Tùng có thể yêu cầu phía doanh nghiệp hoặc tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp các thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình và ông sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định nêu trên.
PV- PBHTN
TAG:
Tin khác
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
Từ 2025, thông báo phạt nguội sẽ được gửi qua ứng dụng VneTraffic
 Vụ TikToker Mr Pips lừa đảo: Thu giữ thêm xe sang, biệt thự
Công an Hà Nội điều tra vụ ‘lừa đảo kinh doanh tiền lượng tử’
Kiểm tra, bắt giữ các tàu chở 140 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn