(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Câu 1: Chị Nguyễn Thị Phương ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên có câu hỏi như sau: Tôi mới xin được công việc là nhân viên Hành chính – Tổng hợp tại một công ty TNHH và đang làm thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của công ty? Xin hỏi hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời hạn nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó bao gồm nội dung cụ thể về tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.
Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động này thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng trở lên.
Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.
Câu 2: Bạn Võ Minh Tùng ở tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi như sau: Tôi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 6 năm, cho tôi hỏi người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 42 Luật việc làm thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo quy định tại Điều 51 Luật việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ theo quy định nêu trên khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đối với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thì người lao động sẽ được hỗ trợ thông qua người sử dụng lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Câu 3: Những trường hợp được coi bất khả kháng để người sử dụng lao động được hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28//2015/NĐ-CP thì những trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, bao gồm:
- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.
PV - PBHTN