Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Câu 1: Anh Phạm Văn Tài (Hải Phòng) hỏi: Theo tôi, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nên hỗ trợ tiền cho cả đối tượng bắt đầu thất nghiệp từ tháng 2 nữa, bởi vì kinh phí chi trả thất nghiệp, là do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng phí, bây giờ thất nghiệp người lao động được hưởng.
Còn kinh phí hỗ trợ dịch bệnh là nguồn từ ngân sách nhà nước, 2 nguồn kinh phí đó hoàn toàn khác nhau, tại sao không cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng.
Trả lời:
Dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19. Trước tình hình trên, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo nguyên tắc:
- Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19;
- Nhà nước, doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần phù hợp với khả năng nguồn lực.
Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp là đối tượng được Chính phủ hỗ trợ.
Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp (Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định), và được hưởng ít nhất 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, cao hơn mức hỗ trợ dự kiến của Chính phủ. Do đó, những người lao động này không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Câu 2: Ông Trần Tùng có hỏi: Nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế có được chi trả bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm,
“Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.”
Như vậy, nếu ông Trần Tùng đã nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
PBHTN
TAG: