Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
10:32 AM 17/04/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…

1. Anh Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) hỏi: Hiện tại tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Huế nhưng vì công việc gia đình, tôi về Quảng Trị sinh sống. Vậy hàng tháng tôi phải quay lại Huế để thông báo tìm kiếm việc làm thì mới nhận được trợ cấp thất nghiệp phải không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì: Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nếu anh Hải có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về Quảng Trị thì anh làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên. Khi anh đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về Quảng Trị, hằng tháng anh Hải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị.

2. Anh Hiếu (Hải Dương) hỏi: Những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là gì? Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động được hưởng là bao nhiêu và tôi được hưởng trong bao lâu?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật việc làm thì chính sách BHTN bao gồm 4 chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Như vậy, nếu anh Hiếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh sẽ được hưởng các chế độ, thời gian và mức hưởng theo quy định nêu trên.

3. Anh Kim (TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Công ty của tôi có một số lao động đã ngoài 60 tuổi nhưng đóng bảo hiểm xã hội chưa đến 10 năm. Vậy nếu những lao động này vẫn tiếp tục làm việc tại công ty thì công ty có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1, 2 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động giao kết và đang thực hiện một trong các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nêu trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, hiện nay không có quy định về độ tuổi tối đa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nếu người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nêu trên thì phải tham gia.

PBHTN

TAG:
Tin khác
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
Từ 2025, thông báo phạt nguội sẽ được gửi qua ứng dụng VneTraffic
 Vụ TikToker Mr Pips lừa đảo: Thu giữ thêm xe sang, biệt thự
Công an Hà Nội điều tra vụ ‘lừa đảo kinh doanh tiền lượng tử’
Kiểm tra, bắt giữ các tàu chở 140 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn