1. Anh Phạm Hoàng Nam (Lào Cai) hỏi: Theo quy định hiện nay người lao động có HĐLĐ từ 1-3 tháng cũng được tham gia BHXH. Vậy những người này có được đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nêu trên.
2. Chị Phùng Thu Phương (Hà Nội) hỏi: Tôi được nhận 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tôi đã nhận 2 tháng và đến tháng thứ 3 đến ngày lấy tiền trợ cấp thất nghiệp tại bưu điện tôi có việc gia đình ở quê. Tôi về khoảng 5, 6 tháng. Vậy sau đó tôi quay lại bưu điện để lấy tiền trợ cấp có được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì sau thời hạn 03 tháng, kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Như vậy, trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chị Phương không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà chị Phương không đến nhận được bảo lưu theo quy định.
3. Anh Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) hỏi: Hiện tại tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Huế nhưng vì công việc gia đình, tôi về Quảng Trị sinh sống. Vậy hàng tháng tôi phải quay lại Huế để thông báo tìm kiếm việc làm thì mới nhận được trợ cấp thất nghiệp phải không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì: Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nếu anh Hải có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về Quảng Trị thì anh làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên. Khi anh đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về Quảng Trị, hằng tháng anh Hải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị.
PBHTN