Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
1. Chị Hải Anh (Hà Nội) hỏi: Tôi mới nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội nhưng lại được người quen tìm giúp được việc làm mới. Do đi làm nên tôi quên mất không đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông báo, sau khi làm được 2 tháng, tôi mới tới Trung tâm Dịch vụ việc làm thì được thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính vì không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm. Vậy xin hỏi tôi bị xử phạt có đúng không, quy định xử phạt quy định ở đâu?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp bất khả kháng.
Theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Như vậy, việc chị Hải Anh bị xử phạt là đúng theo quy định pháp luật.
2. Anh Nguyễn Trung Hải (Thái Nguyên) hỏi: Tôi đóng BHTN được 3 năm, vậy giờ tôi nghỉ việc muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là bao lâu, có được nhờ người khác nộp hồ sơ không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì:
- Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
- Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
Như vậy, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, anh Hải phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương anh Hải muốn nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên và sẽ được ủy quyền cho người khác nộp nếu thuộc một trong các trường hợp trên.
Cục Việc làm
TAG: