Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
02:48 PM 02/03/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
1. Anh Lê Hoàng Long (TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Tôi là người lao động đã có hơn 10 năm làm việc và được công ty đóng BHTN đầy đủ. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc tại công ty này. Xin hỏi tôi muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời hạn nộp hồ sơ bao lâu, nộp ở đâu và thành phần hồ sơ như thế nào?
Trả lời:
Thời hạn nộp hồ sơ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Thành phần hồ sơ
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, nếu có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, anh Long phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi anh muốn nhận trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.
2. Chị Cẩm Tú (Đà Nẵng) hỏi: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng điều kiện như thế nào thì được hỗ trợ học nghề và những nghề nào người lao động được hỗ trợ?
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở dạy nghề.
Như vậy, nếu chị Tú đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề thuộc danh mục nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở dạy nghề. Nếu người lao động tham gia khóa học nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ, chị Tú sẽ phải tự chi trả phần chi phí vượt quá đó theo các quy định nêu trên.
Cục Việc làm
TAG:
Tin khác
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024
Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo hơn 18 tỉ đồng
Cảnh báo về việc mạo danh Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành Bảo hiểm để lừa đảo
10 tháng năm 2023: Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 2,7 tấn ma túy các loại
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp bắt giữ hơn 29,8 nghìn viên ma túy tổng hợp
Ngành Hải quan xem xét xử lý trách nhiệm công chức trong vụ buôn lậu sợi Polyester
Tổng cục Hải quan hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
 5 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
VLUTE ký kết mô hình 'Cổng trường an toàn giao thông”