Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
04:15 PM 21/10/2019
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN!
Hỏi: Tôi có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được 65 tháng, tính đến khi tôi chấm dứt HĐLĐ. Xin hỏi nếu giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được hưởng bao nhiêu tháng, mức hưởng so với lương lúc đi làm thế nào? Hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi thời gian đóng BHXH của tôi để tính hưởng các chế độ BHXH sau này có bị ảnh hưởng gì không?

Đỗ Đức Hồng (Thái Nguyên)
 
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Như vậy, nếu bạn có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 65 tháng thì bạn được hưởng 05 tháng trợ cấp thất nghiệp và được bảo lưu 05 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện theo quy định.
Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Việc làm vì vậy chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 2 chế độ độc lập nên việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không ảnh hưởng đến thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.


Hỏi: Xin cho hỏi, quy định về xử phạt về các hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành ra sao ? (thủ tục lập hồ sơ, giả mạo - làm giả hồ sơ, chậm khai báo…)

Xuân Cường (Thanh Hoá)

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP; Nghị định số 95 đã sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20, Điều 1, thì người lao động, người sử dụng lao động và cơ sở dạy nghề có các hành vi sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm thất nghiệp:
- Đối với người sử dụng lao động:
+ Chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp;
+ Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
+ Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật;
+ Có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp giả mạo;
+ Có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, thông tin về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
+ Không làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
+ Làm mất, hư hỏng hoặc sửa chữa, tẩy xóa sổ bảo hiểm xã hội;
+ Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng.
- Đối với người lao động:
+ Có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
+ Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Đối với cơ sở đào tạo nghề:
+ Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký đối với mỗi người lao động vi phạm;
+ Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề đối với mỗi trường hợp vi phạm.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP nêu trên. Đồng thời được áp dụng tại Điều 214 quy định về Tội gian lạn BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 216 quy định về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp./.
 
TAG:
Tin khác
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024