Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về các quy định của pháp luật lao động liên quan đến thỏa ước lao động tập thể
03:36 PM 15/11/2019
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về các quy định của pháp luật lao động về thỏa ước lao động tập thể, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi: Em đang phụ trách mảng nhân sự tại một Công ty mới thành lập được vài tháng, Giám đốc yêu cầu em làm thỏa ước lao động tập thể. Em tham khảo Bộ luật Lao động thì thấy có 03 loại : Thỏa ước lao động tập thể ( Tại mục 3), thỏa ước lao động tập thể (mục 4), thỏa ước lao động tập thể Doanh nghiệp (mục 4), thỏa ước lao động tập thể ngành( từ điều 73 đến điều 89).
Vậy em nên làm thỏa ước lao động tập thể nào, những nội dung cơ bản mà thỏa ước cần có và sau khi làm xong em sẽ gửi thỏa ước đến cơ quan nào? Công ty em ở Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội.
 
Đặng Thảo Hương
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
 
Trả lời:
 
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Lao động 2012
2. Nội dung tư vấn:
Điều 73 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về các loại thỏa ước lao động tập thể như sau:
1. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Thỏa ước lao động tập thể gồm: thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.
2. Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật."
Như vậy, hiện nay pháp luật có quy định các loại thỏa ước lao động tập thể khác nhau, gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước khác. Trong trường hợp này, công ty bạn mới thành lập được vài tháng và Giám đốc có yêu cầu bạn làm thỏa ước lao động tập thể nhằm mục đích áp dụng trong phạm vi doanh nghiệp thì bạn cần xây dựng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.
Về nội dung thỏa ước lao động tập thể:
Theo quy định pháp luật hiện hành, nội dung chủ yếu trong Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:
- Việc làm, bảo đảm việc làm cho người lao động
- Tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác được trả cho người lao động
- Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
- Định mức lao động;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Bảo hiểm xã hội đối với người lao động
Về việc gửi thỏa ước lao động tập thể
Để thỏa ước lao động có giá trị pháp lý, đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa người lao động và người sử dụng lao động thì bản thỏa ước này phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 75 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác.
Theo quy định này, thỏa ước lao động tập thể phải được người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản đến Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký kết.
Do vậy, trong trường hợp này, công ty bạn cần xây dựng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và gửi lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội.

Hỏi: Doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm quy định về thỏa ước lao động tập thể?

Phan Minh Châu
Quận Cầu Giấy - Hà Nội

Trả lời:
Thỏa ước lao động tập thể không chỉ là sự quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp mà còn là sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Do vậy, với những doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về thỏa ước lao động đều có thể bị phạt theo Điều 12 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng:
+ Không gửi thỏa ước đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội;
+ Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;
+ Không công bố nội dung của thỏa ước cho người lao động biết.
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng:
+ Không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tập thể lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;
+ Không tiến hành thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước khi nhận được yêu cầu của tập thể lao động.
- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng:
Thực hiện nội dung thỏa ước đã bị tuyên bố vô hiệu./.
 
TAG:
Tin khác
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024