Hội CCB tỉnh Kon Tum: Đi đầu trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
(LĐXH) - Được thành lập vào ngày 9/11/1991 trên cơ sở tách ra từ Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai - Kon Tum, trải qua 30 năm thành lập, Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum đã có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Phát huy tinh thần đoàn kết
Toàn tỉnh có 10 tổ chức hội cấp huyện, thành phố; 112 tổ chức cơ sở hội; 793 chi hội; 17.858 hội viên, trong đó 3.448 hội viên là đảng viên. Những năm qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên nâng cao cảnh giác cách mạng, quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hàng năm, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh thường xuyên phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động công tác Hội cho đội ngũ cán bộ. Đến nay, có trên 3.900 lượt cán bộ hội tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nề nếp, hiệu quả.
Qua các phong trào, hoạt động, Hội Cựu chiến binh tỉnh chủ động tham gia công tác vận động quần chúng, giải quyết những vấn đề nổi cộm ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện tại, toàn hội có 308 tổ an ninh, 269 tổ hoà giải, 13 tổ bảo vệ đường biên cột mốc và nhiều mô hình tự quản hoạt động có hiệu quả; phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai rộng khắp thu hút đông đảo hội viên tham gia; việc “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng có sức lan tỏa mạnh mẽ…
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Hoạt động này được thể hiện qua nhiều chương trình, như: “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; “hành trình về nguồn”; tri ân liệt sĩ và các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”…, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Đặc biệt trong những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” luôn là điểm nhấn quan trọng. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh Kon Tum đang tham gia quản lý 245 tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư nợ 420 tỷ 953 triệu đồng. Toàn tỉnh có 655 trang trại, gia trại, 12 hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, 12 doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ.
Năm 2021 trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Tỉnh hội đã tổ chức tuyên truyền 187 buổi cho 15.875 lượt hội viên về các quy định trong phòng, chống dịch bệnh của địa phương; vận động 2.529 lượt hội viên tham gia hoạt động tại khu cách ly, chốt kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn tỉnh; đăng ký 550 hội viên tham gia tổ Covid cộng đồng; ủng hộ 14.564 kg rau củ quả, 2.755 kg gạo, 264 thùng mì ăn liền, 49 lít nước mắm và 2 tấn cá cho các vùng ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”
Tại Kon Tum, hiện có 4 huyện biên giới (Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi, Đăk Glei) có 3.235 hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) sinh hoạt tại 97 chi hội. Thông qua việc phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhận thức về pháp luật và đời sống cán bộ, hội viên Hội CCB các cấp và nhân dân ở các xã biên giới được nâng lên.
Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh A Tiêng cho biết: Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp của tỉnh quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới nên đời sống của người dân nơi đây từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, dân trí không đồng đều, còn nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, các loại tội phạm thường lợi dụng để hoạt động trái phép, làm ảnh hưởng đến việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trước thực trạng đó, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (viết tắt là Đề án) được tỉnh triển khai trên địa bàn các xã biên giới. Trong đó, Hội CCB tỉnh hàng năm đã đưa nội dung PBGDPL vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các huyện hội, cơ sở hội xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện song song với việc PBGDPL gắn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Giai đoạn 2017-2021, Hội CCB tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, nhất là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với nhiều hình thức, biện pháp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 165 buổi, với 1.689 lượt người nghe về các văn bản của Đảng và Nhà nước. Trong đó, các luật, bộ luật, các hiệp định, hiệp nghị về khu vực biên giới kịp thời đến với từng chi hội, hội viên và nhân dân. Theo đó, nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương của hội viên và người dân được nâng lên.
Đồng thời, Hội CCB các cấp phối hợp với các đồn biên phòng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện pháp luật; trong đó, chủ yếu là Luật Biên giới quốc gia, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Hôn nhân gia đình, Pháp lệnh CCB, Nghị định số 34-NĐ/CP của Chính phủ về khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp với ngành Tư pháp các huyện biên giới của tỉnh tổ chức tư vấn pháp luật cho nhân dân và trả lời những vấn đề vướng mắc của nhân dân kiến nghị. Nhờ đó, tránh được việc gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Phát huy vai trò CCB gương mẫu, toàn Hội có 106 hội viên ở các xã biên giới được bầu vào các chức danh của Đảng, chính quyền địa phương; 180 cán bộ, hội viên tham gia “Tổ tự quản đường biên cột mốc”, “Đoạn đường CCB tự quản”, “Tổ an ninh”, “Tổ hòa giải”, “Tổ phòng, chống tội phạm và ma túy”… Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ngày càng vững mạnh; nâng cao hiệu quả hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, phát huy hiệu quả các biện pháp phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết hàng chục vụ việc xảy ra đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, Hội CCB các cấp tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được trên 302 triệu đồng; 18,6 tấn lương thực, thực phẩm, rau củ quả các loại; ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ Phòng, chống thiên tai”, “Quỹ Vì nạn nhân chất độc dacam/dioxin”, qua đó thể hiện được tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hội CCB các cấp trên địa bàn tỉnh còn kết hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể khác tham gia PBGDPL gắn với quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới thông qua phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế”, “Xây dựng nhà nghĩa tình CCB”, “Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh”. Qua đó, toàn Hội xây dựng được 242 Tổ “Tiết kiệm và vay vốn” với dư nợ 399,60 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho 2.640 lao động.
Nhờ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền các cấp trong việc thực hiện Đề án và chăm lo phát triển kinh tế, nên hội viên Hội CCB và người dân ở các xã biên giới nâng cao nhận thức về pháp luật và tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đời sống hội viên và người dân khu vực biên giới ngày càng được nâng lên một bước.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục xây dựng và đổi mới các phong trào, hoạt động để có chiều sâu và tính lan toả mạnh mẽ hơn nữa. Các cấp Hội chú trọng đoàn kết, tập hợp hội viên để xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thục Quyên
TAG: