Hoàn thiện qui định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(LĐXH) Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 15/9/2020) thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP. Theo quy định mới, NLĐ có thể được hỗ trợ một số khoản như kinh phí chữa BNN không quá 15 triệu đồng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc; phục hồi chức năng lao động...
Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc, Công ty TNHH một thành viên Giặt Pan Pacific World (Hiệp Hòa, Bắc Giang) thấy đau cột sống kéo dài, cơn đau mỗi ngày một nặng.
Sau khi đi khám, các bác sĩ kết luận chị bị viêm cột sống và chỉ định nằm viện điều trị. Cố gắng một thời gian dài mà bệnh không thuyên giảm, thậm chí chị còn bị hoại tử khớp háng và phải nằm một chỗ. Chị phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập cho gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, lo tiền ăn học cho hai con nhỏ đều dựa vào đồng lương công nhân của chồng. Chị nói: “Rất may là Công ty đóng BHXH cho tôi đầy đủ nên sau khi có kết quả giám định bệnh nghề nghiệp, hoàn thiện hồ sơ, tôi được hưởng trợ cấp hằng tháng. Dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình tôi có thêm một khoản để cuộc sống bớt khó khăn”.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang nói: Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, chưa có cơ chế tái đầu tư để ngăn ngừa.
Tuy nhiên, để tăng cường khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016); việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.
Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm cả NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu. Đây là một ưu điểm vượt trội, hướng đến bảo đảm an sinh cho hầu hết trường hợp tham gia lao động, sản xuất.
Theo đánh giá, khi quy định về bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển sang áp dụng theo Luật ATVSLĐ, hầu hết các trường hợp gặp rủi ro đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Trưởng phòng chế độ BHXH, BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính, quy định, quy trình xác định đối tượng được hưởng theo Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ) còn chung chung. Vì vậy, cán bộ chuyên môn gặp khó khăn, dẫn đến việc giải quyết chế độ cho DN, NLĐ bị chậm.
Khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 15/9/2020) thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP. Theo quy định mới, NLĐ có thể được hỗ trợ một số khoản như kinh phí chữa BNN không quá 15 triệu đồng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc; phục hồi chức năng lao động...
Về phía DN, mức đóng hằng tháng trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH giảm từ tối đa 1% (theo Luật ATVSLĐ năm 2015) xuống còn 0,5%. Mức đóng sẽ chỉ còn 0,3% nếu DN bảo đảm một số điều kiện (trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về ATVSLĐ đúng thời hạn; tần suất TNLĐ giảm từ 15% trở lên/năm).
Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về BHXH, DN cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất TNLĐ.
Bản thân NLĐ cần chấp hành nghiêm các quy định, quy trình an toàn, sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình vận hành thiết bị, máy móc. Hy vọng rằng, với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN sẽ phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.
Tường Vi
TAG: