Việc ban hành Luật Trẻ em năm 2016, về cơ bản, hành lang pháp lý để hình thành và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã được xác định. Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em. Ông Nam chỉ rõ việc phổ biến Luật Trẻ em 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được triển khai nhưng nhiều quy định mới chậm được triển khai, nhất là ở các địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em của nhiều địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa cao. Phần lớn vẫn mang tính hình thức, kiểu như thăm hỏi, động viên, trao cho trẻ em nạn nhân bị xâm hại và gia đình một khoản tiền hỗ trợ từ các quỹ xã hội, từ thiện…
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, số trẻ em trên toàn quốc là 26.372.278 trẻ em chiếm gần 27% dân số cả nước. Trong giai đoạn 2015 – 2019, toàn quốc có 8.442 vụ XHTE được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Trước tình hình đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE” từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE; tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; tổ chức các hội thảo, điều tra xã hội học, khảo sát một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu hồ sơ một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát.
Tại buổi làm việc trực tuyến, Quốc hội thảo luận về Kết quả báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn đại biểu Phú Yên cho biết tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đã nhận được câu hỏi của trẻ em như sau: Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại được xây dựng trên nền tảng nào? Vì chúng cháu nhận thấy, nó không đảm bảo cho sự vững chắc của một ngôi nhà bảo vệ trẻ với đầy đủ các kết cấu: nền móng, trụ cột và mái che. Hơn hết nó cần được bao phủ an toàn bằng tình yêu thương và trách nhiệm đối với trẻ.
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, cách tiếp cận này từ góc nhìn của trẻ đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề ngược lại: phải chăng, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE nhìn vào thì nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ vẫn chưa đủ? Hay nói cách khác hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc. “Tôi cho rằng xây dựng chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE phải như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng: đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ và đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này; Tiếp tới là xây dựng 3 trụ cột cơ bản: đó là nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc- giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, về XHTE; Cuối cùng là mái nhà: đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có kiến nghị cụ thể, trong đó, nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị, với Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE.
Với Chính phủ, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ XHTE. Ngay trong năm 2020, Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ cần ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản gồm: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi XHTE; Chương trình phòng, chống XHTE trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống XHTE trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống XHTE trên môi trường mạng; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình XHTE; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; Tòa án Nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án XHTE đạt trên 90%; HĐND và UBND các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống XHTE.
Đối với vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền cũng chia sẻ thêm, các nội dung kiến nghị và nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội đã được thể hiện một phần trong Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 26/5. Tuy nhiên, việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu. Đó là đầu tư thích đáng cho đội ngũ cán bộ là công tác trẻ em, trực tiếp làm công tác phòng chống XHTE; Cần có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu, đối với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng XHTE. Tuy nhiên, xử lý trách nhiệm như thế nào, mức độ nào, thời gian tới cũng cần đươc làm rõ; Tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng chống XHTE nói riêng, trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý.
Cùng với đó, theo lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về công tác trẻ em, vấn đề quan trọng là những quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em phải được thi hành đồng bộ và hiệu quả, với sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan: Công an, Kiểm sát, Tòa án, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp và các tổ chức, ban, ngành khác. Trong bối cảnh Luật Trẻ em 2016 chỉ là một trong những đạo luật quy định cụ thể các quyền con người, quyền công dân được hiến định thì các nguyên tắc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền trẻ em; các yêu cầu về bảo vệ trẻ em, sự tham gia của trẻ em của Luật này phải được xem xét để rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung về/liên quan đến bảo vệ trẻ em trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Mục đích chung của việc sửa đổi, bổ sung những bộ luật, luật về/liên quan đến tư pháp là hình thành một hệ thống tư pháp thân thiện và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, cần sớm xem xét việc sửa đổi nâng quy định về tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 để khắc phục những khoảng trống và thiếu đồng nhất về áp dụng chế tài, biện pháp xử lý hình sự, dân sự, hành chính cũng như các biện pháp bảo vệ đối với độ tuổi từ 16 đến dưới 18; để phù hợp với quy định về tuổi trẻ em và chưa thành niên của Công ước, các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ trẻ em và tư pháp đối với trẻ em, người chưa thành niên. Không những thế, cần sớm triển khai việc nghiên cứu và xây dựng đề án về Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm đồng bộ hóa và quy định cụ thể yêu cầu, thủ tục, tiêu chuẩn về tư pháp toàn diện với người chưa thành niên…
Nguyễn Đăng Doanh