Hòa Bình nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện ma túy và phòng chống tệ nạn mại dâm
(LĐXH)-Hiện nay, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều phức tạp, vì vậy tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện ma túy, phòng chống tệ nạn mại dâm, kiểm soát chặt chẽ tiến tới giảm dần tệ nạn ma túy, mại dâm, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và quản lý đối tượng sau cai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia truyền thông phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội; cán bộ các thôn bản; các đối tượng có nguy cơ cao, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội … với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội cho 300 đại biểu; phát hành 01 kỳ (500 cuốn) Tạp chí “Vì bình yên Đất Mường” và 40.000 tờ rơi nội dung công tác phòng, chống ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đến các xã, phường, thị trấn.
Sở cũng hướng dẫn các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ công tác cai nghiện cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận người sau cai, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình có biện pháp quản lý, tổ chức hỗ trợ giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, phòng tránh tái nghiện. Phối hợp với Phòng PC04 -Công an tỉnh tổ chức thống kê, rà soát, cập nhật danh sách người nghiện ma túy tại cộng đồng để tiếp cận, khuyến khích người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện, đăng ký hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp, nhằm hạn chế việc sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn việc lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng ma túy. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp thực hiện xem xét hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma tuý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện quy chế ban hành theo Quyết định số 554/QĐ-UBND, ngày 07/3/2018 của UBND tỉnh. Tuyên truyền vận động người nghiện tự giác tham gia cai nghiện ma túy bằng các hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, các cơ sở cai nghiện ma túy, chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn theo Nghị quyết số 113/2018/ NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh quy định mức đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại các đơn vị được chú trọng. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I: Tổng số học viên đã được tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cai nghiện ma túy là 339 lượt học viên, trong đó: Năm 2020 chuyển sang 185 học viên (cai bắt buộc 163 học viên, tự nguyện 22 học viên). Tiếp nhận học viên mới là 154 học viên (cai bắt buộc 96 học viên; tự nguyện 58 học viên). So với cùng kỳ năm 2020 học viên bắt buộc vào tăng 5,5%; học viên tự nguyện giảm 5,4%. Cơ sở đã thường trực tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe, phân loại, chữa trị cắt cơn nghiện ma túy đối với những học viên mới. Tổ chức hoạt động tiếp nhận, khám sàng lọc cho bệnh nhân, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người bệnh có nhu cầu điều trị theo quy trình, quy định của pháp luật. Năm 2021, Cơ sở đã điều trị cho 51 bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II: Đã quản lý cai nghiện cho 248 học viên, trong đó: Năm 2020 chuyển sang là 132 học viên, tiếp nhận mới là 116 học viên (bắt buộc là 75 học viên, tự nguyện là 41 học viên). Cả năm 2021, cơ sở cũng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 55 bệnh nhân. Lý do giảm số học viên so với cùng kỳ và chưa đạt so với kế hoạch vì thời gian giãn cách xã hội và những tháng cao điểm tập trung phòng, chống Covid 19, các cơ sở cai nghiện ma túy tạm dừng việc tiếp nhận học viên mới.
Nhìn chung, các cơ sở đã thực hiện tốt công tác chăm sóc y tế, cắt cơn cho học viên; phòng chống dịch bệnh Covid -19 cho viên chức và học viên, công tác lao động trị liệu. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong học viên về công tác phòng chống ma túy. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, quản lý và bảo vệ tài sản không bị thất thoát, các ca trực đều đảm bảo an ninh an toàn trật tự không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị cũng như của ngành. Thường xuyên kiểm tra rà soát việc trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, các phương tiện phòng, chống cháy nổ đảm bảo đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an các cấp trong việc xây dựng Cụm an ninh tự quản, mô hình cơ quan tự quản về an ninh trật tự.
Công tác quản lý sau cai nghiện và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy trở về địa phương được quan tâm. Các xã, phường, thị trấn đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ công tác cai nghiện cấp xã làm tốt công tác tiếp nhận người sau cai về gia đình, cộng đồng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình có biện pháp quản lý, tổ chức hỗ trợ giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, phòng tránh tái nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực hiện công tác này còn thấp, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa có cơ chế huy động cơ sở sản xuất tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện.
Trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hòa Bình đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác này trên địa bàn. Hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo quy định. Thực hiện rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn, trong đó tập trung rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự, tụ điểm, người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý, phụ nữ bỏ đi làm ăn xa không rõ lý do địa chỉ. Đội kiểm tra liên ngành 178 được kiện toàn, thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tuy nhiên trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, đơn vị chưa thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ lợi dụng hoạt động mại dâm trên địa bàn. Các xã, phường, thị trấn cũng duy trì việc đăng ký xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; Duy trì hoạt động của 24 Đội công tác xã hội tình nguyện và cải tiến các mô hình phòng chống mại dâm cấp xã trên cơ sở thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH - BCA - BVHTTDL- UBMTTQVN về xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết các tụ điểm, ổ nhóm và xử lý vi phạm tệ nạn mại dâm. Tại các địa bàn duy trì hoạt động xã phường lành mạnh, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội đã tổ chức hoạt động tuyên truyền tại các cuộc họp tổ dân phố như phát tài liệu, tờ rơi, tin bài phòng chống tệ nạn dâm, phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tiếp nhận quản lý từ 400- 450 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I (bắt buộc 200. Tự nguyện 250 lượt), duy trì điều trị Methadol cho 51 đối tượng, tiếp nhận mới 10 đối tượng. Tiếp nhận 350 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II (bắt buộc 200. Tự nguyện 150 lượt), duy trì điều trị Methadol cho 70 đối tượng. Theo đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; ban hành các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2022-2025. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và thực hiện lồng ghép tuyên truyền phòng chống mua bán người, HIV/AIDS. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; phòng chống tệ nạn mại dâm; từng bước xây dựng hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện cho người nghiện ma túy ở các địa phương; tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các mô hình, các hình thức cai nghiện phục hồi gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hòa nhập cộng đồng sau cai. Phòng ngừa nguy cơ phát sinh mới tệ nạn mại dâm; phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”; xây dựng lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường; chuyển hóa những xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm; thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tránh xa ma túy, mại dâm./.
Mỹ Hạnh
TAG: