An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
03:22 PM 29/01/2021
(LĐXH) - Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa 1 lần trong vòng 24 tháng
với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện.
Cụ thể, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ 3 điều kiện:
1- Người sử dụng lao động có thời gian liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
2- Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
3- Thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Đối tượng được hỗ trợ huấn luyện theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 56 của Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên và người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Trường hợp người lao động làm việc cho nhiều người sử dụng lao động thì từng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho người lao động.
Chỉ hỗ trợ kinh phí huấn luyện đối với hoạt động huấn luyện đã hoàn thành trước thời điểm đề nghị hỗ trợ huấn luyện và không quá 1 năm trở về trước kể từ năm đề nghị hỗ trợ huấn luyện và người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên tục cho người lao động từ thời điểm tổ chức huấn luyện đến thời điểm đề nghị hỗ trợ huấn luyện.
Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa 1 lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện nhưng tối đa không quá mức đưới đây:
1- Hỗ trợ huấn luyện lần đầu:
Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên.
Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế.
Không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Không quá 700.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2- Hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định nêu trên.
Có thể thấy, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hơn công tác này. Và khi NLĐ được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ-BNN với họ. Biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không xảy ra TNLĐ –BNN. Tránh được TNLĐ – BNN là tránh được mất đi sức khỏe, tính mạng; giảm chi phí, thiệt hại cho DN; Đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, góp phần phát huy hiệu quả phòng ngừa của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang