(LĐXH) - Năm 2024, huyện Phú Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối, tư vấn, định hướng việc làm cho người lao động trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chung của toàn huyện.
Ông Phạm Minh Tân, Trưởng Phòng Lao động - TBXH huyện Phú Bình phát biểu tại Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024
Thực hiện Quyết định của UBND huyện về việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG năm 2024; Kế hoạch của UBND huyện về việc thực hiện nội dung phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm bền vững trong các chương trình MTQG năm 2024, huyện Phú Bình đã ban hanh Kế hoạch tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với mục đích tạo điều kiện cơ hội để người lao động tiếp xúc trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái nguyên; giúp người lao động lựa chọn việc làm và ngành nghề đào tạo phù hợp; đăng ký và tham dự chương trình tuyển dụng trực tiếp của các đơn vị tuyển dụng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đẩy mạnh giao dịch việc làm; cung cấp chính xác thông tin thị trường lao đôn trong và ngoài nước, việc làm, đào tạo nghề, BHXH, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, cung ứng nguồn tuyển dụng cho người lao động trên địa bàn huyện; tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp với địa phương.
Theo đó, triển khai Kế hoạch, ngày 5/10, tại Trường THPT Điềm Thụy, UBND huyện Phú Bình đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024. Tham dự chương trình có trên 900 cán bộ, giáo viên, học sinh khối 11 và 12 của Nhà trường; 20 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh trên 8.000 người.
Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024 của huyện
là điểm kết nối cung - cầu lao động
Tại Ngày hội, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai các nội dung: Định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, người lao động; tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động; tư vấn tuyển dụng lao động/ tuyển sinh của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong nước; thông tin tuyển sinh trực tiếp tại các gian hàng; tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng, kết nối việc làm.
Việc tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp đã cung cấp thông tin thị trường lao động, góp phần định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho các em học sinh. Từ đó, tạo cơ hội cho các em học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, giúp các em chủ động trong việc xây dựng kế hoạch việc làm sau khi tốt nghiệp THPT.
Tại chương trình, Ban Tổ chức Ngày hội đã trao 20 suất quà tặng cho học sinh của Trường THPT Điềm Thụy thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bão số 3.
Để Ngày hội đạt hiệu quả đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động – TBXH phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền về Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp thông qua các hình thức bằng băng zon, phướn, pano, tờ rơi tuyên truyền tại Ngày hội việc làm và tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; chuẩn bị các gian hàng, thông tin của các đơn vị tham gia tư vấn, tuyển dụng tại Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp.
Ngoài ra, còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường THPT Điểm Thuỵ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Ngày hội. Tư vấn, thông tin về thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm; tư vấn học nghề, hướng nghiệp; tư vấn tuyển dụng lao động…
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của quá trình phục hồi sau đại dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn sụt giảm dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, từ đó dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức của người lao động trong việc học tập, nâng cao tay nghề để không bị lạc hậu, đáp ứng được yêu cầu công việc. Với nhóm lao động lớn tuổi, lao động không có tay nghề, để xin được việc làm thời điểm này không dễ dàng, do đó cần linh hoạt trong thời điểm khó khăn về việc làm như tự tạo việc làm, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc…Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, cung cấp kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng cung - cầu của thị trường lao động.
Tăng quy mô, tần suất tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch, kết nối tư vấn hướng nghiệp như: Tư vấn qua Facebook, Zalo, qua Website, điện thoại, Email, các phiên, ngày hội tư vấn hướng nghiệp giới thiệu việc làm...
Tổ chức các chương trình truyền thông hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông trung học, đồng thời phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về truyền thông, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho cán bộ cơ sở. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với người lao động, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, người lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động./.
Minh Anh