(LĐXH)- Từ ngày 4/12/2016, Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng sẽ có hiệu lực.
Theo đó, hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn Luật tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học. Hỗ trợ người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg; lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc các đối tượng quy định nêu trên, mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.
Một lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên QuangNgười học được hỗ trợ đào tạo trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học; có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của UBND cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề. Đối với lao động nông thôn, người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã, người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi. Đối với người khuyết tật phải có giấy xác nhận khuyết tật hoặc thẻ xác nhận là người khuyết tật hoặc sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng. Đối với lao động bị mất việc làm, trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ sau: Quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; trường hợp làm việc không theo hợp đồng, cần có giấy xác nhận của người sử dụng lao động; trường hợp tự tạo việc làm, cần có giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh)...
Dạy nghề cho người khuyết tậtVề hỗ trợ tiền ăn, đi lại, đối tượng được hỗ trợ là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên...
Thông tư này cũng quy định, mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo. Kinh phí thực hiện chính sách gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.
Chí Tâm