An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả ủy thác cho vay tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội
03:40 PM 13/10/2020
(LĐXH) Qua 5 năm triển khai (2015 – 2020), việc thực hiện ủy thác cho vay các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) thông qua 04 tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung sức giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Phương thức ưu việt của tín dụng chính sách xã hội
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. NHCSXH thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội theo các nguyên tắc bình xét dân chủ, công khai. Vốn sẽ được giải ngân trực tiếp đến người vay tại trụ trở UBND cấp xã, phường thông qua hoạt động của tổ giao dục tại Điểm giao dịch tại xã, phường nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính tín dụng.
Ngoài chức năng tuyên truyền, phản biện xã hội, hoạt động ủy thác vốn vay giúp cho hoạt động phong trào của các cấp hội thêm phong phú, tạo nhiều phong trào gắn kết với hoạt động phát triển kinh tế xã hội của hội viên, thúc đẩy nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, thu hút hội viên tham gia. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức hội đoàn thể có thêm nguồn thu hỗ trợ hoạt động phong trào cũng như nâng cao thu nhập cho cán bộ hội. Điều này đã khẳng định rõ nét nhất vai trò, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách.
Người dân miền núi tiếp cận vốn CSXH để đầu tư công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân miền núi tiếp cận vốn CSXH để đầu tư công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt
Những nỗ lực từ từng tổ chức chính trị - xã hội cộng hưởng với sự tận tâm của cán bộ NHCSXH trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cho vay kịp thời đúng đối tượng đã tạo bước chuyển đột phá cho hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn 2015 - 2020. Đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%, với mạng lưới 173.712 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ. Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao, nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả với tổng doanh số cho vay ủy thác trong 5 năm qua đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH, cho hơn 12 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Sự nỗ lực hết mình của các tổ chức chính trị - xã hội
Với Hội LHPN Việt Nam, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giải quyết những khó khăn thách thức mà hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ cũng phải đối diện như: việc làm, phát triển kinh tế; ứng phó tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. 5 năm qua, Hội đã nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ hội trực tiếp làm công tác ủy thác ở tất cả các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; gắn trách nhiệm của chi/tổ phụ nữ trong theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ người vay sử dụng và hoàn trả vốn. Hội đã phối hợp tổ chức được trên 40 nghìn lớp tập huấn với nội dung tập trung về nghiệp vụ, quy trình giải ngân, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác….
Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ luôn là tổ chức có dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đến 31/8/2020 đạt trên 85,36 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 33,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,21% (giảm 0,13% so với 31/12/2014). Điều đó minh chứng việc nộp lãi, hoàn trả gốc của các thành viên vay vốn cơ bản đảm bảo thực hiện tốt.
Thông qua Hội Phụ nữ, hộ chị Đào Thị Dung, ở thôn Hà Phương 3, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) vay vốn NHCSXH mở rộng sản xuất, góp phần ổn định kinh tế
Cùng với Hội Phụ nữ, Hội nông dân cũng luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng sách có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời đây cũng là chức năng quan trọng của tổ chức Hội trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội phát động mà trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Ở mỗi cấp, Hội Nông dân đều phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện. Cơ chế ủy thác cho vay đã được các cấp Hội Nông dân và NHCSXH thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế chung của từng địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Trong hơn 5 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng, từ 42.623 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 67.442 tỷ đồng vào 31/8/2020, tăng 24.819 tỷ đồng (+58,23%), chiếm tỷ trọng 30,58% tổng dư nợ NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
Song song với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với NHCSXH, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh đã tích cực hỗ trợ hội viên được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên hội viên là hộ nghèo, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Cựu chiến binh đạt 32.356 tỷ đồng, chiếm 16,37% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng gần 2.013 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Hội Cựu chiến binh đang quản lý 31.158 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay, 99,94% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số dư 1.476 tỷ đồng (tăng 99,4 tỷ đồng so với năm 2018).
Hội Cựu chiến binh còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách…
Cựu chiến binh Lê Viết Hưngtỉnh Hà Tĩnh được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để phát triển trang trại theo mô hình VACR
Không hề kém cạnh, với tuổi trẻ xung kích, trong vòng 5 năm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã giúp 900.000 hộ thanh niên được vay vốn, tại 24.632 tổ tiết kiệm, với dư nợ ủy thác trên 30.000 tỉ đồng. Dư nợ trong hệ thống Đoàn đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2014. Trong đó, có 3 tỉnh, thành đoàn dư nợ ủy thác đạt trên 1.000 tỉ là Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La. Chất lượng ủy thác cũng có những chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nợ quá hạn trong hệ thống Đoàn chỉ còn 0,33% (giảm 0,14%). T.Ư Đoàn cũng đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khi hết thời hạn quy định (31.12.2020); xem xét nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa, mở rộng đối tượng cho vay vốn đối với một số chương trình tín dụng phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế từng giai đoạn. Đặc biệt cần có chế tài rõ ràng và mạnh mẽ hơn đối với những hộ có ý thức trả nợ kém và các trường hợp chiếm dụng vốn.
Tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng
Hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với người nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Những nỗ lực từ từng tổ chức chính trị-xã hội cộng hưởng với sự tâm tâm của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cho vay kịp thời đúng đối tượng đã tạo bước chuyển đột phá cho hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn 2015-2020. Trong giai đoạn tiếp theo, hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận với các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội để các khoản vốn vay đến được đúng đối tượng, kịp thời và minh bạch
Để thực hiện được mục tiêu trên, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác các cấp chủ động phối hợp thực hiện tốt việc tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW; tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khách theo chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong từng thời kỳ. Cùng với việc duy trì tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay, các tổ chức chính trị-xã hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ủy thác của tổ chức chính trị-xã hội các cấp để phát hiện kịp thời các tồn tại, vướng mắc phát sinh, có giải pháp xử lý dứt điểm; phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.

Trần Minh Ngọc

TAG:
Tin khác
Hà Tĩnh giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
Phú Yên tập trung xóa nhà tạm cho người nghèo
Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH tại TPHCM
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...
Lai Châu: Nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà trong dịp Trung thu cho trẻ em
'Quốc hội trẻ em' kỳ họp lần thứ 2 chính thức khai mạc