Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
05:02 PM 28/12/2024
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Điểm nổi bật là thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 về giải quyết việc làm bền vững cho người lao động tại địa phương.
Đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản là giải pháp giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được tỉnh Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh

Bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mạnh mẽ Tiểu dự án 3 thuộc Chương trình MTQGN bền vững. Đến nay, hơn 10.900 lao động đã được tuyển sinh tham gia các khóa đào tạo nghề. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 90%, trong đó gần 99% người học có việc làm sau đào tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã sử dụng nguồn vốn sự nghiệp (ngân sách trung ương) Tiểu dự án 3 hỗ trợ tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh hỗ trợ lao động vùng đồng đồng bào DTTS, nhất là lao động người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, giúp tỉnh thực hiện đạt và vượt mục tiêu Tiểu dự án 3, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện các Chương trình MTQGN bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 trong giai đoạn 2021-2025 cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới chỉ đạt trên 30% so với kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025, Bà Lục Bích Phúc chia sẻ.

Bà Lục Bích Phúc cũng chỉ ra những tồn tại khó khăn, vướng mắc như: Một là, thực trạng tồn tại cùng lúc quá nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và hỗ trợ đào tạo dưới 3 tháng, kèm theo đó là nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện còn khác nhau, chưa thống nhất. Từ đó, làm phát sinh nhiều hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Thống kê cho thấy, tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí được giao giai đoạn 2021 - 2024 còn đạt tỷ lệ thấp (đạt khoảng 34,21% kế hoạch vốn giao). Việc thực hiện nội dung hỗ trợ người lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng còn hạn chế (trong 03 năm mới chỉ thực hiện hỗ trợ được 04 người).

Hai là, các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai, thực hiện thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, chưa sát với thực tế địa phương, đơn vị. Điển hình, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố chưa được thụ hưởng đối với nội dung “Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi”; trong khi các trung tâm này lại là đơn vị thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp, giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, … Đây cũng là điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện Tiểu dự án 3 trên địa bàn tỉnh sóc Trăng, cũng như các tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian qua.

Ngoài ra, hiện các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập đang chịu ảnh hưởng chung của việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; trong khi nhu cầu tham gia học nghề của người lao động tăng cao, quy mô tuyển sinh, đào tạo tăng theo, dẫn đến tình trạng thiếu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (tỷ lệ quy đổi 25 sinh viên/giáo viên).

Song song đó, nội dung chương trình, giáo trình đào tạo một số ngành, nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Đa số các khóa học tập trung vào ngành, nghề nông nghiệp, tiểu thủ công truyền thống, trong khi các ngành, nghề kỹ thuật cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến chất lượng, cơ hội việc làm sau đào tạo chưa được mở rộng, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.

Lao động của tỉnh Sóc Trăng trúng tuyển đi làm việc tại Nhật Bản do Công ty Esuhai tuyển chọn và đưa đi

Phó Giám đốc Sở LĐ –TB&XH tỉnh Sóc Trăng Lục Bích Phúc cũng cho biết,  để khắc phục những tồn tại, hạn chế về những vướng mắc trên, trong giai đoạn tới tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như:

Tăng cường truyền thông và tư vấn về vai trò, vị trí, lợi ích mang lại của việc học nghề, việc làm để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người lao động. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động người dân tham gia tích cực hơn. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn của trung ương, địa phương và kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Tiểu Dự án 3 theo quy định và đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình liên kết với doanh nghiệp để mở rộng các ngành, nghề đào tạo, liên kết trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển một số ngành, nghề đào tạo mới như logistics, công nghệ số, chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản, …, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Song Song đó, Sở tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, tỉnh có chính sách ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường cao đẳng được quy hoạch trở thành trường cao đẳng chất lượng cao; các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ngoài công lập.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm lưu động để kết nối cung – cầu lao động giúp người  lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và học nghề phù hợp với trình độ, chuyên môn của mình, góp phẩn giải quyết việc làm hiệu quả của địa phương trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trang bị kỹ năng nghề cho người lao động trược khi tham gia thi trường lao động và giải pháp giải quyết việc làm bền vững được tỉnh Sóc Trăng triển khai có hiểu quả thời gian qua

Trong giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Sóc Trăng được bố trí nguồn vốn trên 136 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 126 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 9,7 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức phân bổ, triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình. Trong đó, với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) được hỗ trợ trên 35 tỷ đồng, toàn tỉnh đã triển khai 101 mô hình với hơn 1.860 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, Bà Lục Bích Phúc chia sẻ.

Ba Phúc cũng cho biết, vừa qua  UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 27/2/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kế hoạch đã đề ra 12 mục tiêu cụ thể phấn đấu thực hiện đạt trong năm 2024, trong đó có mục tiêu giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh là trên 98,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác./.

 Minh Quân

TAG: hiệu quả từ giải quyết việc làm
Tin khác
Nhìn lại công tác Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở An Giang
An Giang tăng cường kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động
Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Chủ động thu thập thông tin người lao động, góp phần giúp người nghèo tìm kiếm việc làm
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
Tuyên Quang: Thực hiện chặt chẽ  việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật  thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng