Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo đặc thù ở Lạng Sơn
(LĐXH)- Các chính sách trợ giúp đặc thù của tỉnh đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo ở vùng khó khăn phát triển nâng cao đời sống vật chất.
Nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, bên cạnh triển khai những chính sách giảm nghèo chung, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thực thi nhiều chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh, đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Hiệu quả từ chính sách đặc thù
Một số chính sách cụ thể: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2014-2015 (Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 24/12/2013): Tổng vốn kế hoạch giao từ năm 2014 đến năm 2015 là 8.114 triệu đồng, vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân tộc thiểu số nghèo là 8.114 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật: mua giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND, ngày 20/10/2010): giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện hỗ trợ tổng kinh phí là 3.983 triệu đồng, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi vay vốn để nuôi trâu bò sinh sản góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số tại Lạng Sơn đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
Chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp (Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND, ngày 27/12/2007): tổng kinh phí đã hỗ trợ giai đoạn 2011-2015 là 12.726 triệu đồng, đã góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, nhận thức của người dân về kinh tế đồi rừng dần được nâng lên; hiệu quả của chính sách đã đóng góp tích cực trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái.
Chính sách hỗ trợ lãi suất vay mua máy chế biến, bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch (Quyết định 38/2007/QĐ-UBND, ngày 27/12/2007): tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2011-2015 là 123 triệu đồng, đã từng bước giảm sức lao động thủ công, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động. Tuy nhiên, triển khai thực hiện chính sách số hộ được hưởng lợi rất ít, chưa phát huy hiệu quả đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Chương trình giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ: thực hiện Chương trình số 40/CTr-BCĐ, ngày 21/3/2014, giai đoạn 2014-2015 được triển khai thí điểm trên địa bàn huyện Bình Gia và huyện Đình Lập, bước đầu triển khai đã có những kết quả nhất định: đã nhận giúp đỡ được 30 hộ nghèo với 22 con bò cái sinh sản, 08 con bê và 2 con lợn nái sinh sản, giúp hộ nghèo tiếp cận được các mô hình khoa học kỹ thuật, giúp các người dân phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế như cây na, quýt, hồng, chè...
Ngoài ra các cấp Hội, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ đã phát động phong trào “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ” và được cụ thể hóa bằng hình thức tiến hành phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ưu tiên lựa chọn giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách trợ giúp đặc thù của tỉnh đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo ở vùng khó khăn phát triển nâng cao đời sống vật chất. Qua việc thực hiện chính sách đã hỗ trợ giúp cho các hộ nghèo giảm bớt sự khó khăn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, tạo được sự đồng tình ủng hộ của xã hội, củng cố thêm lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống đối với hộ nghèo vùng khó khăn, tạo tiền đề cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Thay đổi rõ rệt ở xã đặc biệt khó khăn
Theo đánh giá, qua 05 năm (2011-2015) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về giảm nghèo đã được nâng cao; từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo cho giai đoạn 2011-2015.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân đã tích cực chỉ đạo các chi hội, hội viên giúp đỡ nhau thực hiện giảm nghèo; phong trào thi đua lao động sản xuất để giảm nghèo như mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mô hình chăn nuôi lợn nái, trồng cây đặc sản như hồi, quýt, na và các cây trồng có giá trị kinh tế cao góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội ở các huyện có tỷ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, từng bước đáp ứng đáp ứng các nhu cầu cơ bản về giao lưu, phát triển hàng hóa dịch vụ và dân sinh cho người dân tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm nhanh (huyện Bình Gia giảm từ 61,35% xuống còn 37,85%; Đình Lập giảm từ 51,02% xuống còn 29,53%).
Về văn hóa xã hội, y tế giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; hệ thống trường, lớp học đầu tư, trường bán trú dân nuôi tại một số huyện được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào đi học; các cơ sở dạy nghề được đầu tư xây dựng; chương trình chống tái mù, phổ cập giáo dục được đẩy mạnh; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào đấu tranh phòng chống các loại tệ nạn xã hội được duy trì và đẩy mạnh.
Về an ninh quốc phòng: Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn ổn định, đường biên mốc giới được giữ vững, các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh đường biên, mốc giới luôn được quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Với những chính sách, dự án được triển khai đồng bộ đã tạo tiền đề, động lực cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo có thể cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 14,9% vào năm 2014, ước còn 11,9% vào năm 2015 góp phần hoàn thành kế hoạch mục tiêu của Chương trình và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất; đời sống của đại đa số người dân được nâng cao, tạo được sự đồng thuận cao hơn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước./.
Dương Thìn
TAG: